Nhiều cơ hội cho hợp tác xã thủy sản ra đời và hoạt động
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia tìm kiếm cơ hội nâng cao hoạt động, trong đó có các HTX. Đây là giai đoạn các HTX lĩnh vực thủy sản cần chủ động nắm bắt cơ hội để vươn lên.
Hiện nay có thể thành lập HTX thủy sản chuyên về thu gom rác thải biển tại các vùng nuôi. Trong ảnh: Nhóm Vũng Rô xanh tại TX Đông Hòa tình nguyện thu gom rác thải trên vịnh Vũng Rô. Ảnh: MINH DUYÊN
Bày ra trước mắt
Truy xuất nguồn gốc với các loại thủy hải sản là điều kiện quan trọng để đảm bảo xuất khẩu chính ngạch hướng tới ổn định đầu ra và đạt giá trị kinh tế cao. Muốn vậy, các vùng nuôi trồng thủy hải sản phải có mã số vùng nuôi. Tuy nhiên, trên toàn tỉnh, ngoài 3 doanh nghiệp được cấp mã vùng nuôi với diện tích 73ha, chưa có hộ cá thể nào được cấp mã số vùng nuôi. Đây là cơ hội cho các HTX thủy sản đứng ra tập hợp các hộ cá thể và hoàn tất các thủ tục pháp lý, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh có gần 7.000 hộ nuôi trồng thủy sản trên diện tích gần 3.000ha. Việc cấp mã số vùng nuôi là rất cần thiết bởi không chỉ giúp việc tiêu thụ sản phẩm được ổn định mà còn đảm bảo quy hoạch, bảo vệ môi trường biển. Các hộ nuôi có diện tích lớn chỉ cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về nuôi trồng thủy sản; nhưng cái khó ở các hộ nuôi nhỏ lẻ là diện tích không đủ để được cấp mã vùng nuôi. Vì vậy, các hộ này cần tập hợp nhau lại để đảm bảo những điều kiện cần thiết như diện tích, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Thực tế, các HTX thủy sản có thể làm điều này.
Tại xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) có nhiều hộ chuyên sản xuất cá cơm khô cung cấp cho thương lái. Ban đầu chỉ một hộ làm thủ công, sau thu hút nhiều khách buôn tìm tới nên hiện nay phát triển lên 20 hộ. Có hộ đã mua máy sấy, máy đóng gói để làm hàng. Nhiều năm nay, các hộ dân ở đây vẫn làm tự phát, không liên kết với nhau nên sản phẩm cá cơm khô, cá cơm ngần khô không có thương hiệu, giá cả cũng phụ thuộc vào thương lái. Nếu có HTX chuyên về chế biến thủy sản đứng ra tập hợp các hộ dân, cùng làm thương hiệu và xúc tiến thương mại thì sản phẩm sẽ được tiêu thụ giá cao.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Tại các địa phương có biển như TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa, huyện Tuy An đang tồn tại nhiều làng nghề như vậy. Trong đó, nhiều làng nghề sản xuất quanh năm nhưng có những làng nghề chỉ làm mùa vụ. Việc thành lập các HTX thủy sản sẽ giúp duy trì nghề truyền thống, nâng cao hoạt động sản xuất, chế biến và trở thành làng nghề được công nhận với sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Đối với nông sản, nhiều HTX nông nghiệp đã làm được, vì vậy sẽ không khó với các HTX thủy sản trong quản trị sản phẩm thủy hải sản.
Chưa đủ sức đánh bắt xa bờ, không đủ vốn đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, các HTX thủy sản có thể tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch biển. Theo ông Ngô Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ở các cảng cá, các vùng nuôi trồng thủy sản luôn tồn tại các tổ, đội, nhóm sản xuất. Họ chuyên làm các dịch vụ phục vụ tàu thuyền đánh bắt xa bờ như cung cấp đá lạnh, xăng dầu, vá lưới hoặc bốc vác, vận chuyển thủy sản về kho lạnh khi tàu, thuyền cập bến. Đặc biệt, vấn đề môi trường biển đang rất bức thiết, ngoài các nhóm tình nguyện thì chưa có một đơn vị nào đứng ra làm dịch vụ thu gom rác thải trên biển một cách chuyên nghiệp. Các HTX thủy sản ra đời có thể triển khai ngay những dịch vụ này, vừa phục vụ cộng đồng vừa tạo nguồn thu duy trì hoạt động.
Chủ động tham gia
Cũng theo ông Hiệp, với các HTX thủy sản đang hoạt động thì cách hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng là chủ động tham gia vào chuỗi liên kết thủy hải sản. Trên thực tế, các HTX thủy sản chỉ mới ra đời 2-3 năm trở lại đây, còn rất non trẻ. Vốn yếu, kinh nghiệm quản lý hạn chế nên việc hoàn thiện chuỗi thủy sản ngay từ đầu rất khó có thể duy trì trong điều kiện thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Trước mắt, HTX cần làm tốt một khâu rồi chủ động liên kết với các doanh nghiệp, hộ sản xuất tạo lập thành chuỗi để tạo chỗ đứng.
Hiện nay, các địa phương có biển xây dựng thủy sản đặc trưng gắn với thương hiệu du lịch như tôm hùm Sông Cầu, cá ngừ Tuy Hòa. Trong đó, HTX Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu được địa phương ưu ái là đơn vị đồng hành đưa thủy sản này phát triển. Tuy TP Tuy Hòa không chọn HTX quản trị thương hiệu cá ngừ mà chỉ là thành viên tham gia, nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX thủy sản tích lũy kinh nghiệm. Thực tế, các địa phương đang tạo điều kiện cho các HTX thủy sản theo tinh thần Kế hoạch 218 của UBND tỉnh về vận động thành lập các HTX thủy sản. Các HTX cần chủ động tham gia để có cơ hội khẳng định mình.
Cơ chế và điều kiện thực tế đang rất thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động của các HTX thủy sản. Các HTX đã ra đời nên chủ động bám vào các chương trình hành động về phát triển kinh tế biển của địa phương, của tỉnh để hoạt động. Các địa phương chưa thành lập HTX thủy sản theo kế hoạch của tỉnh cũng nên sớm thành lập để không bỏ lỡ thời cơ thuận lợi.