Nhiều cơ hội cho mô hình mua trước trả sau tại Việt Nam
Mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL) là một xu hướng thanh toán điện tử bùng nổ tại Việt Nam trong những năm qua. Bà Indina Andamari, Giám đốc Quốc gia của Kredivo Vietnam đã chia sẻ tiềm năng về thị trường BNPL và hoạt động của Kredivo tại Việt Nam.
Mua trước trả sau (Buy now Pay later, hay "BNPL") là một giải pháp vay tiêu dùng ngắn hạn không cần tài sản đảm bảo. Người dùng có thể đăng ký sản phẩm tức thì tại thời điểm mua sắm, và sử dụng khoản tiền được cấp bởi ngân hàng, tổ chức tài chính để chi tiêu, mua sắm. Khoản đã chi được chi trả trong một lần, hoặc chia nhiều đợt.
Theo báo cáo của Research and Markets, tổng thanh toán BNPL dự kiến đạt 1,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 và có tốc độ tăng 126,4% hằng năm. Hiện nay, 4/5 người tiêu dùng ở Mỹ sử dụng hình thức BNPL để mua sắm tất cả mặt hàng, từ quần áo đến đồ gia dụng.
Hầu hết người mua hàng cho biết, hình thức này có thể thay thế phương thức thanh toán truyền thống như thẻ tín dụng. Với BNPL, khách hàng chỉ cần đăng ký tài khoản qua ứng dụng, cung cấp thông tin cá nhân và khoản vay mà không cần chứng minh thu nhập.
Chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9/2021, Kredivo được biết đến là nền tảng cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau (BNPL) hàng đầu có trụ sở tại Indonesia với hơn 6 triệu người dùng khắp Đông Nam Á. Công ty mẹ của Kredivo là FinAccel được biết đến là Kỳ lân tiếp theo của khu vực sau khi huy động vốn thành công vòng series D.
Bà Indina Andamari, Giám đốc Quốc gia của Kredivo Vietnam đã có những chia sẻ về tiềm năng thị trường BNPL và hoạt động của Kredivo tại Việt Nam.
Thị trường tài chính vi mô của Việt Nam thời gian gần đây đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các công ty trong nước và quốc tế. Bà nhận thấy xu hướng nào ở Việt Nam mà những công ty như Kredivo có thể nắm bắt?
Bà Indina Andamari: Việt Nam có dân số lớn với hơn 98,51 triệu người vào năm 2021, trong đó dân số trẻ (từ 15 tuổi trở lên) chiếm hơn 51%. Tuy nhiên, khoảng một nửa dân số hiện vẫn còn bị hạn chế về các dịch vụ tài chính của ngân hàng hoặc chưa có tài khoản ngân hàng. Mặt khác, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 78,7 tỷ USD, cao gấp 10 lần so với năm 2010.
Điều này cho thấy nhu cầu tài chính cá nhân của người dân trong nước rất cao, mặc dù chưa tiếp cận dịch vụ tài chính. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã mở đường cho thương mại điện tử và các giải pháp thanh toán kỹ thuật số phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của fintech như ngân hàng kỹ thuật số và ví điện tử. Mua trước trả sau là một trong những bước chuyển mới nhất nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các phương thức thanh toán tín dụng dễ tiếp cận, an toàn và vừa túi tiền.
Tôi tin rằng xu hướng sử dụng công nghệ để đơn giản hóa, đồng thời làm phong phú trải nghiệm của người tiêu dùng sẽ tiếp tục tồn tại và trở thành mảnh đất nhiều tiềm năng.
Bà nhận thấy những cơ hội nào trong lĩnh vực này khi mua trước trả sau (BNPL) tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phổ biến?
Bà Indina Andamari: Chúng tôi nhận thấy được nhiều tiềm năng của thị trường Việt Nam. Ngành BNPL tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 126,4% hàng năm, đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2022.
Quỹ đạo tăng trưởng trung và dài hạn của ngành BNPL tại Việt Nam vẫn còn mạnh mẽ. Việc áp dụng thanh toán BNPL dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trong vài năm tới, ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 45,2% trong giai đoạn 2022-2028. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước sẽ tăng từ 496,4 triệu USD vào năm 2021 lên đến hơn 10 tỷ USD vào năm 2028.
Trong khi đó, Việt Nam được dự đoán sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với Tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, gấp 4,5 lần giá trị ước tính của năm 2021, theo báo cáo của Facebook and Bain & Company).
Những con số này cho ra một bức tranh rất khả quan về thị trường BNPL trong vài năm tới. Không giống như các công ty tín dụng thông thường, BNPL cung cấp cho người dùng quyền truy cập tín dụng tức thì với yêu cầu dữ liệu ở mức tối thiểu và cho phép giao dịch tại các sàn thương mại điện tử và các trang bán hàng online được thuận tiện hơn.
Như tôi đã đề cập ở trên, hơn một nửa dân số ở Việt Nam hiện đang không sử dụng các dịch vụ ngân hàng và chưa được tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, tuy nhiên, một phần lớn dân số hiện đang bắt đầu tham gia vào các nền tảng trực tuyến và các hoạt động thương mại điện tử. Đây là tiềm năng to lớn để chúng tôi khai thác, nắm bắt và cung cấp cho thị trường các giải pháp BNPL tiên tiến thông qua nền tảng Kredivo.
Kredivo có kế hoạch gì để triển khai các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mới,cũng như góp phần thúc đẩy lĩnh vực BNPL?
Bà Indina Andamari: Kể từ khi thành lập vào năm 2016, Kredivo đã nỗ lực hướng tới việc hiện thực hóa tầm nhìn cung cấp các dịch vụ tài chính ưu tiên trên thiết bị di động, nhanh chóng, chi phí thấp và có thể truy cập rộng rãi, được gói gọn trong một sản phẩm mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.
Ngày nay, Kredivo là công ty dẫn đầu thị trường BNPL với hơn 50% thị phần trên các thị trường thương mại điện tử ở Indonesia và là một Kỳ lân với 6 triệu người dùng.
Chúng tôi mong muốn sẽ thực hiện được điều tương tự tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam bằng cách đơn giản hóa hơn nữa quy trình đăng ký và thanh toán, mở rộng các trường hợp ngoài việc mua hàng thương mại điện tử, đồng thời trở thành một mô hình thanh toán hoàn toàn mở được tích hợp với nhiều nhà bán. Cũng như ở các thị trường khác, chúng tôi tin rằng BNPL sẽ khai thác ra và thúc đẩy một giai đoạn tăng trưởng quan trọng khác của nền kinh tế Việt Nam.
Trong vài năm tới, mục tiêu dài hạn của chúng tôi là tạo ra các dịch vụ tài chính uy tín có thể tác động và làm cho cuộc sống của hàng triệu người ở Đông Nam Á trở nên tốt đẹp hơn.
Theo bà, lợi thế cạnh tranh của Kredivo so với các dịch vụ BNPL khác tại Việt Nam là gì?
Bà Indina Andamari: Chúng tôi cung cấp cho người dùng trải nghiệm liền mạch từ lúc đăng ký tài khoản cho đến khi giao dịch. Chúng tôi tập trung nghiên cứu hành vi của khách hàng để nâng cao trải nghiệm về mọi mặt. Chính điều đó đã giúp Kredivo thực sự khác biệt so với những người chơi khác.
Tại Việt Nam hiện nay, thông qua hợp tác cùng Công ty Cổ phần Tín Việt (VietCredit), Kredivo cung cấp một trong những gói sản phẩm BNPL cạnh tranh và hấp dẫn nhất với hạn mức tín dụng lên đến 25 triệu đồng, người dùng có thể lựa chọn thanh toán trong 30 ngày, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Gần đây, chúng tôi cũng đã công bố hợp tác với Sendo, trở thành đối tác mua trước trả sau từ tháng 8/2022, và chúng tôi chắc chắn sẽ mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với mục tiêu cung cấp cho các khách hàng những giải pháp tài chính nhanh chóng, dễ dàng và vừa túi tiền để giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Kredivo đã đối mặt với những thách thức, khó khăn nào khi gia nhập thị trường Việt Nam?Chẳng hạn việc thu hút khách hàng, tăng sự cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước, gia tăng lãi suất…?
Bà Indina Andamari: Thách thức lớn nhất của chúng tôi tại thời điểm này là làm cho khách hàng hiểu về BNPL, bởi khái niệm này vẫn còn khá mới với đại đa số các khách hàng mục tiêu của chúng tôi. Do đó, để phát triển thị trường, việc đầu tiên cần làm là giúp người tiêu dùng hiểu về lợi ích của BNPL cũng như cách thức hoạt động của BNPL.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác và nhà bán để giúp họ thấy được tiềm năng mà BNPL có thể mang lại cho doanh nghiệp, ví dụ như bằng cách cung cấp tín dụng tức thì tại điểm bán cho khách hàng hay tích hợp quy trình thanh toán liền mạch, doanh nghiệp có thể tăng giá trị đơn hàng trung bình và tăng tần suất giao dịch.
Về mặt cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi coi đó là động lực tích cực để tiếp tục phát triển, với định hướng là một doanh nghiệp lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung vào việc phục vụ khách hàng bằng bộ sản phẩm phù hợp, mang đến trải nghiệm người dùng tuyệt vời.
Xin cảm ơn bà!