Nhiều cơ hội cho ngành cơ khí 'bật dậy'
Cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thêm thị phần. Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần thiết phải có sự 'nâng đỡ' về chính sách của các bộ, ngành và Nhà nước trong việc tạo thị trường, liên kết và nâng cao công nghệ cho doanh nghiệp...
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.
Cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
KHÓ KHĂN LÀM GIẢM NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/3. Cơ hội để ngành này tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Trên thực tế, dù dư địa của ngành cơ khí còn rất lớn, nhưng việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong vẫn hết sức khó khăn. Nguyên nhân do sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài; năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh; chưa xây dựng được thương hiệu và chưa được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, thẳng thắn cho rằng những thành công trên mới chỉ trong một số lĩnh vực cụ thể, còn việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu vẫn đang còn rất khiêm tốn, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ. Ví dụ như các nhà máy về nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu... “Chúng ta mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị và cũng chưa có nhiều doanh nghiệp “đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói”, TS Phong nêu thực trạng.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, khó khăn với doanh nghiệp cơ khí hiện nay là đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn về đất đai, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị; xây dựng hệ thống quy trình và phải có đơn hàng để tập dượt trong quá trình xây dựng quy trình đó. Điều này không chỉ diễn ra trong 1-2 tháng mà là 2-3 năm, thậm chí là 5 năm. Hơn nữa, đa số các doanh nghiệp hiện tại vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng, hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư, trong quá trình đó có thể 5-7 năm mới có thể thu hồi vốn. Nếu tính với lãi suất 5% thì sau 10 năm, giá trị đầu tư đã tăng 50%.
Khó khăn nữa là ngành cơ khí còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Chẳng hạn, thép mác cao C45 gần như chúng ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ hoặc Thái Lan. Vì vậy, nếu có biến động xảy ra trên thế giới, chúng ta thiếu quyền chủ động trong việc quyết định giá. Mặt khác, ngành này còn hạn chế về công nghệ hiện đại cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. “Đây là một trong những điểm mà tôi thấy khá khó khăn cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, đa phần sản phẩm cơ khí tại Việt Nam hiện nay chiếm rất nhiều tỷ trọng trong việc gia công OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) cho các doanh nghiệp FDI. Như vậy, sẽ không cần đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển). Khi hoạt động R&D hạn chế thì việc sáng tạo, đổi mới hoặc làm ra những sản phẩm mới, tìm kiếm cơ hội mới sẽ gặp khó khăn.
Từ góc độ chính sách, ông Cường cho rằng các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng lại ở mức độ tuyên truyền. Đã có một số ít doanh nghiệp chạm vào cơ chế, chính sách nhưng những thủ tục pháp lý, những quy định hiện rất vướng mắc đòi hỏi cần tháo gỡ để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Đồng tình, TS. Phong cho biết thêm, một số cơ chế ưu đãi về tài chính, đầu tư, thuế quan... rất hợp lý và tốt cho các doanh nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, khi ứng dụng thực tế thì còn nhiều vướng mắc, thậm chí chậm và có độ trễ dẫn đến các doanh nghiệp rất khó để ứng dụng. Một số chính sách còn tương đối ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận.
THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC
Để tháo gỡ những nút thắt trên, TS. Phong cho rằng cần phải có đánh giá sơ kết chính sách phát triển cơ khí trong thời gian vừa qua, từ đó có những hiệu chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình mới. Nhất là khi vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó quy định rất nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các thiết bị cơ khí điện trong nước.
“Điều cần nhất của doanh nghiệp cơ khí hiện nay là Nhà nước tạo ra thị trường, đặc biệt là những thị trường có dung lượng lớn như ngành đường sắt đô thị, đường sắt nội đô, các nhà máy điện khí, các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất nguyên vật liệu,… Nếu bổ sung được một số cơ chế, chính sách phù hợp thì các doanh nghiệp cơ khí có sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa trong thời gian tới”, TS. Phong nhận định.
Ví dụ, theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2045 chúng ta sẽ đầu tư thêm khoảng 32.000 MW nhà máy điện khí, khoảng 23.000 MW điện gió ngoài khơi và điện gió nội địa. Với một nhà máy điện khí, theo thống kê trung bình , riêng thiết bị là khoảng 0,95 triệu USD/MW và nhà máy điện gió khoảng 1,4 triệu USD/MW sản phẩm. Như vậy, chúng ta có một thị trường khoảng hơn 60 tỷ USD. Chỉ cần nội địa hóa 40% bao gồm thiết bị phụ trợ, các kết cấu thép, cầu thang, lan can sẽ là thị trường cơ khí đã có được 24 tỷ. Đây là một thị trường rất đáng kể mà chúng ta có thể thực hiện được.
Về nội tại các doanh nghiệp, TS. Phong cho rằng cần đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như công nghệ để có thể sở hữu các công nghệ của riêng mình, để khi có sản phẩm cần phải thay đổi thì sẽ không bị động. Đồng thời, dây chuyền sản xuất cũng cần hiện đại hóa, đầu tư tốt hơn, khi đó giá thành mới cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, mới tạo ra được sự bền vững cho sản phẩm của mình trong chuỗi sản phẩm toàn cầu.
Ông Cường bổ sung thêm, cần những trợ lực để đa dạng hóa thị trường cho các sản phẩm cơ khí. Đó là trợ lực từ chính sách hỗ trợ. Những chính sách hỗ trợ hiện nay cần thông qua Hiệp hội để khảo sát nhu cầu cụ thể của từng nhóm doanh nghiệp, từ đó “xé lẻ” ra thực hiện. Bởi mỗi doanh nghiệp có một khó khăn khác nhau, có doanh nghiệp cần vốn, có doanh nghiệp cần đào tạo và có những doanh nghiệp cần tất cả...
Vì thế, nếu đưa xuống một chính sách chung thì sẽ rất khó để triển khai. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư. Việc tổ chức các triển lãm tại Việt Nam và quốc tế cần phải mang tính chất thường niên, vào thời điểm cố định và cần thông báo trên các phương tiện truyền thông để tất cả các doanh nghiệp đều được biết.
Về nguồn nhân lực. Đa phần các trường đại học và cao đẳng, trường nghề sau khi đào tạo xong nhưng doanh nghiệp tuyển dụng vẫn nói rằng không phù hợp. Do đó, cần có sự phối kết hợp giữa các trường học và các bộ, ban, ngành cũng như các doanh nghiệp.
Về các chính sách hỗ trợ vốn, theo ông Cường, việc thúc đẩy giải ngân vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vẫn khá hạn chế, đòi hỏi cần có sự sâu sát hơn nữa của các bộ, ban ngành để nguồn tài chính được giải ngân một cách thực sự. Doanh nghiệp được giải ngân phải thực sự là những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có khả năng quản lý tài chính, có năng lực về quản lý sản xuất để điều tiết các đơn hàng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn ở bên dưới, kéo những doanh nghiệp nhỏ hơn đi theo hoặc các nhà thầu phụ, khi đó mới hình thành được mạng lưới chuỗi các nhà cung ứng và khai thác hiệu quả...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2024 phát hành ngày 23/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-co-hoi-cho-nganh-co-khi-bat-day.htm