Nhiều cơ hội kinh doanh mới tại thị trường Nhật Bản

Nhật Bản hiện đang là một đối tác quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, việc nắm bắt các cơ hội cũng như hiểu văn hóa kinh doanh của người Nhật sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển tại thị trường này.

Dệt may là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Nhật Bản. Ảnh minh họa

Dệt may là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Nhật Bản. Ảnh minh họa

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, cho biết Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Trong hoạt động trao đổi thương mại, kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước không ngừng tăng trưởng và cán cân thương mại hiện đang nghiêng về phía Việt Nam.

Trong năm 2013, Việt Nam xuất siêu sang Nhật gần 2 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu là 13,65 tỷ USD và nhập lại lượng hàng hóa với kim ngạch 11,61 tỷ USD.

Riêng trong 7 tháng 2014, Việt Nam đã xuất sang Nhật Bản khối lượng hàng hóa với trị giá 8,5 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD như: Thủy sản đạt 620 triệu USD, cà phê 113 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 542 triệu USD; dệt may 1,41 tỷ USD; giày dép 297,8 triệu USD…

Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh và xúc tiến thương mại với thị trường Nhật Bản” do VCCI tổ chức ngày 19/8 tại TPHCM, ông Akira Nishiyama, Giám đốc Công ty tư vấn kinh doanh BSO (Nhật Bản) nhận định, dân số Nhật Bản đang già đi là nguyên do thiếu hụt nguồn lao động khiến cho nhiều ngành nghề tại Nhật gặp khó khăn. Ví dụ, ngành Y tế tại Nhật hiện nay và trong thời gian tới đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Trong vòng 10 năm tới, Nhật Bản sẽ thiếu 1 triệu người làm công việc chăm sóc người lớn tuổi. Ngành xây dựng cũng đang khát nhân lực. Do đó, Nhật Bản đang có xu hướng tuyển dụng nguồn lực ở bên ngoài vào làm việc.

Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa phục vụ cho nền kinh tế-xã hội đang ngày càng tăng, Nhật Bản đang phải mở rộng nhập khẩu nhiều chủng loại hàng hóa và triển khai những kế hoạch đầu tư ra nước ngoài đối với những lĩnh vực cần nhiều lao động để xuất khẩu sản phẩm ngược trở về phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu rau củ quả tại Nhật Bản đang ngày một tăng. Thị trường rau củ quả đầy tiềm năng của Nhật Bản đang tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh cho các DN Việt Nam. Sản phẩm rau xà lách, rau bắp cải, cà rốt của Đà Lạt đang là thương hiệu uy tín và tin cậy tại Nhật. Ngoài ra, để phát triển sản xuất, kinh doanh, các DN, trang trại Việt Nam có thể tiến tới phối hợp phát triển sản xuất với các DN Nhật để cung ứng cho thị trường này.

Theo ông Akira Nishiyama, từ năm 2013, Nhật Bản đã triển khai dự án trồng thử nghiệm giống tỏi Nhật tại Việt Nam. Dự kiến trong khoảng 3 năm tới sẽ xuất sản phẩm trở về Nhật. Bên cạnh đó, với điều kiện thổ nhưỡng, Việt Nam được chọn là nơi Nhật Bản chú trọng đầu tư sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc và lâu đời mà Nhật Bản chuyên nhập khẩu từ Việt Nam, ngày nay do nhu cầu ngày càng tăng của xã hội nên Nhật Bản đã mở rộng cửa để đón các hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại với chất lượng cao của Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Akira Nishiyama, trong hoạt động phát triển kinh tế, Nhật Bản đang tập trung việc mở rộng các mối liên kết với các nước ASEAN để cùng phát triển nền kinh tế. Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh từ đó xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này.

Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Kinh doanh Á Châu (sản xuất mây tre đan) đã xuất khẩu sản phẩm sang Nhật từ năm 2000 cho biết, năm 2013 doanh thu xuất khẩu sang Nhật của công ty là 4 triệu USD và đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15-20%/năm. Như vậy, theo ông Đặng Văn Dũng, chỉ cần các DN Việt nắm bắt được nhu cầu và đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật, chất lượng sản phẩm thì còn rất nhiều cơ hội xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản.

Nắm vững văn hóa kinh doanh

Với kinh nghiệm giao thương thương mại lâu năm tại thị trường Nhật Bản, ông Đặng Văn Dũng chia sẻ, một trong những lưu ý nhưng lại rất quan trọng đến việc “thành bại” trong các liên kết, hợp tác với các đối tác Nhật Bản là các DN Việt, doanh nhân Việt phải xây dựng được mối quan hệ khăng khít với đối tác, doanh nhân Nhật Bản.

Theo đó, việc tìm hiểu, nắm bắt, vận dụng và hòa nhập văn hóa kinh doanh của người Nhật sẽ tạo cơ hội, mở cánh cửa đầu tiên trong quá trình xúc tiến thương mại thành công tại thị trường Nhật Bản. Đối với người Nhật, quá trình giao lưu, tiếp xúc, gặp gỡ ở những giai đoạn ban đầu có vai trò quan trọng trong quá trình ký kết, hợp tác sau này.

Tiếp đến, khi làm ăn với DN Nhật, các DN cần có những kế hoạch, chiến lược kinh doanh cụ thể và chi tiết tới từng công đoạn, quy trình nhỏ. Bởi vì người Nhật rất coi trọng chi tiết và họ phải hiểu, nắm bắt cặn kẽ từng chi tiết để điều hành và quản lý. Một đối tác, một DN có những kế hoạch, đề án cụ thể được đánh giá là coi trọng đối tác và chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, theo ông Đặng Văn Dũng, bên cạnh các đức tính như sáng tạo, linh hoạt, người Nhật rất đề cao yếu tố chăm chỉ, cần cù, làm việc hết mình. Đó là một đức tính đặc trưng của người Việt được các DN, doanh nhân Nhật rất đề cao.

Ông Akira Nishiyama cho biết, người Nhật thường rất coi trọng thiện cảm và độ tin cậy. Và họ quan niệm qua quá trình tiếp xúc, cách trình bày, chấp hành giờ giấc trong các cuộc hẹn sẽ tạo dựng sự tin cậy ban đầu để từ đó có những quyết định sâu xa và lâu dài hơn.

Một lưu ý khi kết nối với DN Nhật là hãy tìm cách gặp người đứng đầu DN để bàn thảo các vấn đề nhằm rút ngắn thời gian cuộc xúc tiến. Bởi vì, đặc trưng của DN Nhật thường người đứng đầu sẽ tiếp xúc, gặp gỡ và thương thảo từ đầu đến cuối với các đối tác mới. Bên cạnh đó, nếu tạo được mối quan hệ thân thiết, tạo dựng được niềm tin thì từ những giới thiệu cá nhân sẽ giúp các DN Việt Nam tìm và mở rộng hợp tác được nhiều với các đối tác quan trọng, ông Akira Nishiyama chia sẻ.

Thanh Thủy

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/thi-truong/nhieu-co-hoi-kinh-doanh-moi-tai-thi-truong-nhat-ban/206615.vgp