Nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc
Mặc dù là thị trường xuất khẩu tiềm năng, song tỷ trọng nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn rất khiêm tốn
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản & Hàn Quốc trong tình hình mới” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 19/4.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nền kinh tế lớn, và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3%.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) , Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong khi đó, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã ký kết và thực thi các FTA gồm Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), (RCEP).
Trong bối cảnh xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU gặp nhiều khó khăn, việc khai thác hiệu quả các thị trường còn nhiều dư địa như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, thông tin, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam.
Riêng Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam vào năm 2022, là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam.
“Từ các số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc và quy mô thị trường tiêu dùng của hai nước này có thể thấy tiềm năng và các cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đối với các sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản còn rất lớn. Mặc dù là sản phẩm xuất khẩu chủ lực song hầu hết tỷ trọng hàng Việt Nam nhập vào Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn rất khiêm tốn.
Điển hình như mặt hàng dệt may, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới hơn 40 tỷ USD còn nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Nhật bản là 24 tỷ USD/năm; tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Nhật Bản mới chỉ đạt 2,9 tỷ USD, tương đương 12%. Những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt không còn là thuế quan mà ở mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường, xã hội,” ông Đỗ Quốc Hưng cho biết.
Nhiều lưu ý cho doanh nghiệp Việt
Để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, theo ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (KOCHAM) chia sẻ, để trong trung và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa; tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện… đặc biệt là hỗ trợ cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp Hàn Quốc, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) ….cho rằng, hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng tăng qua các năm, nhất là các sản phẩm như dệt may, da giày, nông thủy sản.
Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, hiện nay, thị trường Nhật bản có tốc độ thay đổi nhanh chóng về mẫu mã sản phẩm. Vòng quay sản phẩm nhanh và ngắn, do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản điều tra sâu thị trường, phát triển những sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật bản. Trong đó, các sản phẩm đa dạng, dễ dàng tùy chỉnh thích ứng với số lượng ít sẽ là xu thế tiêu dùng mới hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần rút ngắn hơn nữa thời gian sản xuất và đóng gói sản phẩm nhằm giảm thời gian từ khi đặt hàng đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.
Ông Keigo Yoshida cho biết thêm, với các mặt hàng nông sản cần sự tươi ngon, do đó khâu vận chuyển là rất quan trọng, đây là điều doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản nhằm mang lại giá trị cao cho hàng hóa xuất khẩu.