Nhiều cơ hội xuất khẩu mới cho rau quả
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước nhìn nhận, các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam hiện đều có yêu cầu cao, không riêng gì thị trường Mỹ, Australia hay châu Âu như trước đây.
Với những yêu cầu ngày càng khắt khe, các đơn vị đang nghiêm túc thực hiện các tiêu chí truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện chuỗi liên kết, hình thành sản phẩm chất lượng để tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu mới.
Nhiều trái cây được “thông hành”
Bằng nhiều chuyến viếng thăm, làm việc và đàm phán mở của thị trường cho trái cây Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở ra cơ hội “thông hành” cho trái cây Việt Nam bằng cả hình thức xuất khẩu tươi và chế biến.
Hơn 1 tháng qua, thị trường Hàn Quốc đã đón nhận trái bưởi của Việt Nam, cùng đó thị trường Trung Quốc cũng mở của cho trái dừa tươi và sản phẩm sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. Trong khi tại thị trường Mỹ, chanh leo Việt Nam đã hoàn tất quá trình đàm phán yêu cầu về kỹ thuật... để xuất khẩu vào Mỹ.
Việc mở cửa nhiều thị trường cho các dòng sản phẩm trái cây cũng như đa dạng loại sẽ giúp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho trái cây Việt Nam.
Theo bà Alexis M. Taylor, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Nông nghiệp đối ngoại của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hàng nông sản giữa Mỹ và Việt Nam có nhiều điểm có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt là trái cây Việt Nam có nhiều loại không tìm thấy ở Mỹ. Hiện nay, 8 loại trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ gồm thanh long, xoài, bưởi, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, dừa.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam mở cửa thị trường nhập khẩu cho các loại trái cây của Mỹ gồm cam, nho, cherry, lê, đào, xuân đào, việt quất và táo.
Đối với trái sầu riêng, loại trái cây đang "bật lên” mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, cũng đã hoàn thiện quy trình để đáp ứng các tiêu chí của Nghị định thư phía Hải quan Trung Quốc để thuận lợi bước vào thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ, theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh (Durio zibethinus) bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam.
Nắm bắt cơ hội mới cho sản phẩm sầu riêng được tiến vào thị trường Trung Quốc, các địa phương sản xuất sầu riêng cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu với nhiều giống sầu riêng ngon, chất lượng cao; gắn với quy trình canh tác, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Nhiều dư địa xuất khẩu
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái cây Việt Nam hiện đã có mặt tại 60 thị trường trên thế giới.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu II - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từng thị trường nhập khẩu đưa ra các quy định riêng từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến kiểm dịch thực phẩm trong lô hàng xuất khẩu.
Hiện yêu cầu nhập khẩu trái cây từ các quốc gia được phân ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, chỉ yêu cầu cơ bản, trái cây không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhóm thứ hai, yêu cầu khó hơn, thuộc nhóm thị trường các nước khó tính hay những nước có yêu cầu chất lượng cao như thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những thị trường này đồng thời yêu cầu kiểm dịch thực vật. Các đơn vị đang tự đặt các thị trường ở trong nhóm thị trường xuất khẩu thứ 2 để nâng cao năng lực sản xuất và khai thác dư địa xuất khẩu.
Bà Alexis M. Taylor, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Nông nghiệp đối ngoại của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chia sẻ, thị trường Mỹ còn rất nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, khi khai phá bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp cần có sự đầu tư. Doanh nghiệp cần có mặt ở đó để tìm hiểu người tiêu dùng đang mong chờ, kỳ vọng gì… và trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy. Tại Mỹ, cộng đồng người Việt Nam khá lớn. Do đó, doanh nghiệp nên chọn một khu vực nhất định, một bang hay cộng đồng nào đó nhất định để thâm nhập. Bởi, muốn đáp ứng tất cả nhu cầu của người tiêu dùng thị trường Mỹ là thách thức rất lớn.
Với các thị trường khác như Trung Quốc, khi thị trường này chấp nhận sản phẩm sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng mở thêm dư địa thị trường cho Việt Nam khai thác.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản phẩm sầu riêng đông lạnh được khai thác sẽ giúp hạn chế tình trạng ứ đọng hàng hóa khi vào chính vụ. Đây là kênh giúp điều hòa sản lượng để ổn định giá cả, tăng thêm thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là bước khởi đầu cho sản phẩm sầu riêng chế biến và công nghệ bảo quản sầu riêng, là bàn đạp để sầu riêng khai thác được nhiều dư địa thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc và thị trường Mỹ, thị trường châu Âu cũng đang có xu hướng quan tâm đến các loại hoa quả nhiệt đới có tác dụng chăm sóc sức khỏe và hương vị tươi mới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu, các loại trái cây nhiệt đới như lựu, thanh long, chôm chôm... được coi là đặc sản tại thị trường này. Đây chính là cơ hội cho các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam chinh phục thị trường rộng lớn như châu Âu.
Tuy nhiên, nhu cầu trong mỗi quốc gia lại khác nha, như Đức có lượng tiêu thụ trái cây ngoại nhập khẩu lớn nhất, đặc biệt là lựu và quả lý, trong khi Pháp, Bỉ là có nhu cầu cao về các loại trái cây theo mùa như vải thiều, lựu.
Dù vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu cũng lưu ý, các loại trái cây đến tay người tiêu dùng đến được đảm bảo tươi, ngon và chất lượng. Đặc biệt là sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu. Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, trái cây Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để các thị trường khác biết đến và người tiêu dùng các quốc gia khó tính cũng sẽ ưu tiên lựa chọn.
Lúc này, việc cần làm trong cuộc chơi khai thác thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trái cây chế biến nói chung, sầu riêng đông lạnh nói riêng là việc cơ quan chức năng sớm xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia cho các dòng sản phẩm chế biến để có cơ sở thẩm định chất lượng sản phẩm trước khi tiến ra thị trường thế giới.