Nhiều cơ sở thực phẩm phải dừng hoạt động sau kiểm tra

Sau ba tuần ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Tết, các đoàn liên ngành của thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng phải dừng hoạt động ngay lập tức. Trong số đó có cả những cơ sở lâu đời, xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Hà Nội thành lập bốn đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố. Đến thời điểm hiện tại, tính riêng Đoàn liên ngành số 1 đã kiểm tra đột xuất 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đáng chú ý, qua kiểm tra, đoàn đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tới 6 cơ sở do không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, điển hình là Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ thực phẩm Đức Vinh thuộc điểm công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức) hay cơ sở Bánh cốm Nguyên Ninh địa chỉ số 11 phố Hàng Than (quận Ba Đình).

Ngoài ra, xưởng chế biến thực phẩm đóng gói sẵn Minh Quý tại xã Kim Quan (huyện Thạch Thất) cũng là một trong số các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bị đoàn kiểm tra phát hiện và xử lý. Tại thời điểm Đoàn liên ngành do Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bất ngờ kiểm tra, cơ sở này bộc lộ hàng loạt vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như: bảo quản kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với hoạt động sơ chế đóng gói thực phẩm; đặc biệt, cơ sở này đã sơ chế, kinh doanh gần 3,2 tấn thịt bò, nội tạng động vật, chân gà không rõ nguồn gốc. Phần nhiều trong số hàng hóa này đã biến đổi màu và bốc mùi khó chịu, tiểm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng nếu được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Bình Minh, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết: điều kiện về cơ sở vật chất lẫn con người ở các cơ sở vi phạm đều chưa được đảm bảo. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn cũng phát hiện người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình chế biến thực phẩm và chủ cơ sở đều không có giấy xác nhận an toàn thực phẩm và giấy khám sức khỏe định kỳ. Với điều kiện sản xuất như vậy, côn trùng và các vi khuẩn hoàn toàn có thể dễ dàng xâm nhập.

Qua kiểm tra, các cơ sở vi phạm chủ yếu sản xuất theo kiểu thủ công, chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy trình khép kín một chiều. Cùng với đó, nhận thức của chủ cơ sở về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm chưa cao, khi bị kiểm tra còn có thái độ đối phó, chưa hợp tác.

Theo Đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội, dịp Tết và lễ hội đầu xuân sắp tới, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra không báo trước. Khi kiểm tra ở các quận, huyện, thị xã, đoàn sẽ không để địa phương chọn cơ sở để dẫn đi kiểm tra mà chủ yếu kiểm tra đột xuất. Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được công khai, nghiêm túc, không bao che. Khi phát hiện cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm, giám sát việc khắc phục và thẩm định đến khi đạt yêu cầu mới cho hoạt động trở lại. Thành phố cũng sẽ tái kiểm tra đột xuất để giám sát việc xử lý vi phạm của các địa phương, từ đó có phương án xử lý.

Đức Tâm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhieu-co-so-thuc-pham-phai-dung-hoat-dong-sau-kiem-tra-295959.htm