Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở miền núi Thanh Hóa xuống cấp, hư hỏng
Rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân những huyện miền núi Thanh Hóa đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Mùa nắng nóng, người dân một số nơi phải vất vả tìm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 519 công trình cấp nước tập trung tại khu vực miền núi. Trong đó, chỉ có 29 công trình hoạt động hiệu quả; 347 công trình hoạt động kém hiệu quả và 143 công trình không hoạt động. Hiện những công trình không hoạt động đang bỏ hoang, xuống cấp, không những gây lãng phí ngân sách của Nhà nước mà còn khiến cho người dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, điển hình như: Huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh ...
Bà Ngân Thị Tưởng, trú tại bản Pà Khà, xã Thành Sơn, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết: "Nhà có 4 khẩu nên mỗi khi chiều đến phải chia nhau luân phiên tắm. Ngay bên cạnh nhà là bể chứa nước – một công trình nước sạch được nhà nước đầu tư, xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đã bị hư hỏng và bỏ không từ rất lâu".
Sau khi được đầu tư xây dựng, bể chứa nước sạch tập trung phục vụ cho hơn 10 hộ gia đình trong bản. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm sử dụng, đường dẫn nước về bể chứa bị nứt vỡ, đứt đoạn mà không được tu sửa khiến bể chứa không thể sử dụng.
"Để khắc phục, người dân trong bản đã phải tự mua ống, dùng thân luồng, tre dẫn nước về để sử dụng. Dẫn được nước về rất nhỏ giọt nhưng ngay cả khi có nước thì cũng không có chỗ chứa để dùng lâu dài. Bể chứa của nhà nước không dùng được nữa rồi", bà Tưởng nói.
Ông Ngân Văn Đức, Phó Chủ tịch xã Thành Sơn cũng cho biết: "Từ những năm 2010, xã được nhà nước đầu tư hơn 10 công trình nước sạch tập trung cho người dân sử dụng. Nhưng chỉ sau ít năm, hơn một nửa số này đã bị vô hiệu hóa vì đứt, nổ đường ống dẫn nước từ khe núi về mà không có người bảo quản, thay thế. Mặc dù biết là rất lãng phí trong khi người dân không có bể chứa để dùng nhưng cũng không biết làm gì hơn vì xã không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng đối với các công trình này".
Không riêng huyện Bá Thước, chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, huyện miền núi Quan Hóa được đầu tư 88 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với 729 bể chứa nước. Tuy nhiên, có đến 355 bể chứa nước đã bị hư hỏng hoàn toàn, số còn lại đều trong tình trạng hỏng một số bộ phận không có khả năng tích nước, hoặc dẫn nước kém… Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua ống lấy nước trực tiếp từ mó nước, hoặc góp tiền khoan giếng và mua máy lọc nước về sử dụng.
Còn tại huyện Lang Chánh có khoảng 40 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó có tới hơn 18 công trình đã bị hư hỏng, bỏ hoang. Số còn lại hầu hết không bảo đảm công năng để đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho người dân theo thiết kế.
Trao đổi về những giải pháp cho các công trình nước sạch tập trung nêu trên, ông Cao Văn Cường– Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để bảo đảm người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hàng ngày, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, nhất là tại các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.
Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp nhận đầu tư và quản lý, khai thác công trình; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ và sử dụng các công trình nước sạch nông thôn. Đối với các công trình cấp nước do UBND cấp xã quản lý, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nhận đầu tư và quản lý, vận hành công trình".