Nhiều công trình, sách báo, không ít ứng viên giáo sư có hồ sơ nặng tới 20-30kg
Theo chia sẻ của nhiều thành viên các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, hồ sơ của các ứng viên, đặc biệt ứng viên giáo sư có thể lên tới 20 đến 30 kg.
Ngày 1/7 vừa qua là hạn cuối cùng ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở.
Năm nay, có 5/28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành tổ chức xét trực tuyến hồ sơ ứng viên, gồm: Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử - Tự động hóa, Thủy lợi, Toán học và Vật lý.
Xét trực tuyến hồ sơ ứng viên: Thuận tiện cho cả ứng viên và thầy cô phản biện
Theo đó, các ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 có chuyên môn thuộc 5 Hội đồng này sẽ thực hiện việc kê khai hồ sơ điện tử theo địa chỉ: http://hdgsnn1.gov.vn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa đánh giá, việc áp dụng xét hồ sơ ứng viên theo hình thức trực tuyến mang lại nhiều thuận tiện trong quá trình xét duyệt.
Giáo sư Hồ Đắc Lộc cho biết, những ngành đủ điều kiện tổ chức xét hồ sơ trực tuyến thì Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đó sẽ đăng ký với Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước. Dựa trên hệ thống được Hội đồng Giáo sư nhà nước cung cấp (http://hdgsnn1.gov.vn), các ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ thực hiện kê khai hồ sơ điện tử trên hệ thống này. Đồng thời, mỗi thầy cô phản biện cũng sẽ được cung cấp tài khoản để truy cập vào hệ thống trên, tiến hành các công việc như xem xét, thẩm định, đánh giá hồ sơ ngay trên hệ thống.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp quá trình thẩm định hồ sơ trở nên thuận tiện, dễ dàng và tiết kiệm hơn. Theo đó, thay vì ứng viên phải in các công trình của mình ra thành nhiều bản để gửi các thầy cô phản biện, hồ sơ vừa dày, cồng kềnh lại tốn kém, mà mỗi thầy cô phản biện lại ở rải rác các nơi khác nhau; thì với hình thức xét hồ sơ trực tuyến, ngoài bản hồ sơ gốc để đối sánh, ứng viên chỉ cần tải toàn bộ hồ sơ đăng ký lên hệ thống. Thầy cô giáo phản biện cũng dễ dàng tiếp cận với hồ sơ ứng viên hơn”, Giáo sư Hồ Đắc Lộc đánh giá.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa cho biết Hội đồng này đã áp dụng hình thức xét hồ sơ trực tuyến từ 2-3 năm trở lại đây.
“Với Hội đồng ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa, qua các kỳ thực hiện chúng tôi thấy hình thức xét duyệt hồ sơ trực tuyến mang lại nhiều thuận tiện cho cả ứng viên và thầy cô phản biện. Ngoài ra, hình thức này cũng giúp tăng tính công khai, minh bạch, độ khách quan và liêm chính bởi vì toàn bộ hồ sơ đều được công khai trên hệ thống chung, từ đó mọi người có thể dễ dàng theo dõi, giám sát quá trình thực hiện”, Giáo sư Hồ Đắc Lộc đánh giá.
Hội đồng Giáo sư ngành Toán cũng là một trong những Hội đồng đã áp dụng hình thức xét trực tuyến hồ sơ ứng viên trong nhiều năm nay. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán cho biết, một điểm thuận lợi của các ứng viên ngành Toán so với các ngành khác là gần như khoảng 90% các công bố đều là quốc tế. Do đó, các công trình đã có sẵn bản PDF, nên công tác chuẩn bị hồ sơ để xét trực tuyến của ứng viên không gặp quá nhiều khó khăn.
So với việc xét duyệt hồ sơ ứng viên theo hình thức truyền thống như trước đây, Giáo sư Lê Tuấn Hoa nhận định việc áp dụng hình thức xét trực tuyến này mang lại cho ứng viên rất nhiều thuận lợi.
Theo Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán, có ứng viên hồ sơ chỉ nặng 2kg, nhưng cũng có người lên tới 5-7kg; rồi mỗi ứng viên phải in ra tới 11 hay 20 bộ,.... tùy từng Hội đồng. Chưa hết, phải mất ít nhất 2 tuần để vận chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giáo sư nhà nước, sau đó mới vận chuyển hồ sơ về các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Sau khi chấm xong, số hồ sơ này cũng không còn dùng tới nữa, vì vậy rất tốn kém và lãng phí.
Vì sao nhiều Hội đồng chưa xét trực tuyến hồ sơ ứng viên?
Cùng bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều thành viên các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cho biết, hồ sơ của các ứng viên, đặc biệt ứng viên giáo sư có thể lên tới 20 đến 30 kg; Trong đó, bao gồm các giáo trình, bài báo khoa học, đề tài khoa học các cấp,... Các ứng viên phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ với khối lượng mỗi bộ rất nhiều giấy tờ như vậy để gửi đến các Hội đồng, đây là công việc khá phức tạp, mất nhiều công sức và tốn kém.
Trong khi đó, nếu áp dụng hình thức xét duyệt hồ sơ ứng viên theo hình thức trực tuyến, ứng viên chỉ vất vả ở khâu số hóa các minh chứng, còn việc gửi hồ sơ lại trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Dù vậy, để triển khai việc xét duyệt hồ sơ ứng viên theo hình thức trực tuyến cho tất cả các Hội đồng cần có thời gian.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, số hóa là con đường tất yếu, tuy vậy bước đi cụ thể còn cần phải xem xét vào từng điều kiện, hoàn cảnh, cần có thời gian để chuẩn bị.
Giáo sư Võ Văn Sen cho biết, lý do nhiều Hội đồng đến nay chưa áp dụng hình thức xét hồ sơ ứng viên theo hình thức trực tuyến là do công tác số hóa các minh chứng hồ sơ vẫn còn gặp khó khăn. Theo đó, số lượng các minh chứng hồ sơ của ứng viên khá nhiều từ các sách, giáo trình, tạp chí, các đề tài khoa học,... lên đến hàng trăm trang; nhất là với những tài liệu sách, giáo trình đã được xuất bản từ lâu thì việc số hóa lại tất cả đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, công sức.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm cũng thừa nhận để đồng bộ việc số hóa công tác xét hồ sơ ứng viên ở tất cả các Hội đồng sẽ gặp không ít khó khăn, song số hóa là việc phải thực hiện để phù hợp với quốc tế.
Để thực hiện được điều này, Giáo sư Trần Văn Sung đề xuất cần có quy định rõ ràng, chi tiết, tỉ mỉ hơn về hồ sơ các ứng viên, bao gồm những minh chứng cần thiết phải đưa vào và những minh chứng không cần thiết có thể lược bỏ. Điều này giúp đơn giản hóa hồ sơ nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác, đánh giá được năng lực của ứng viên; đồng thời cũng giúp các thành viên Hội đồng Giáo sư chấm, thẩm định dễ dàng và chính xác hơn.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm nhiều năm ngồi Hội đồng thẩm định, xét duyệt hồ sơ cho các ứng viên, Giáo sư Trần Văn Sung cũng chỉ ra một xu hướng chung là ứng viên thường khai rất nhiều các công trình, bài báo khoa học vào hồ sơ, nhưng trên thực tế ứng viên chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cứng theo Quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg là đã đủ điều kiện. Điều quan trọng hơn là phần ứng viên trình bày báo cáo và trả lời trực tiếp các câu hỏi trước Hội đồng.
“Có những ứng viên phó giáo sư nhưng có tới 150, 160 bài báo khoa học, mỗi bài báo cũng phải vài chục trang, tất cả đóng hết thành 1 quyển rất dày. Như vậy người chấm cũng rất vất vả, và đôi khi còn có thể bị bỏ sót”, Giáo sư Trần Văn Sung cho hay.
Chia sẻ thêm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước cho biết, việc xét hồ sơ ứng viên bằng hình thức trực tuyến đã được triển khai từ khoảng 5 năm trở lại đây. Việc này giúp quá trình xét duyệt hồ sơ của các thầy cô phản biện được linh hoạt và tiện lợi hơn so với việc xét duyệt bằng hình thức truyền thống (toàn bộ hồ sơ là bản cứng).
Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước cho biết theo kế hoạch, sẽ tiến tới áp dụng hình thức này cho tất cả các Hội đồng. Song, Phó giáo sư Trần Anh Tuấn cũng cho hay mặc dù về mặt kỹ thuật không có gì trở ngại, nhưng thực tế để triển khai sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Đó là việc số hóa các minh chứng trong hồ sơ, nhất là với các ứng viên có số lượng sách, giáo trình,... xuất bản nhiều.
Theo quy định hiện hành, quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Cấp cơ sở (trường – cụm trường, viện nghiên cứu), cấp ngành – liên ngành và cấp Nhà nước. Ứng viên nộp hồ sơ cho Hội đồng cơ sở để xét từ dưới lên.
Ứng viên tham gia xét công nhận giáo sư, phó giáo sư phải hội tụ đủ các điều kiện về hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, sau khi ứng viên hoàn tất việc nộp hồ sơ, từ ngày 1/7 đến 22/7, các Hội đồng Giáo sư cơ sở sẽ tiến hành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.
Từ ngày 31/8 đến 27/9, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.
Từ ngày 21/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.