Nhiều công trình thủy lợi trọng điểm xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn trong mùa mưa lũ

Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai tỉnh vừa có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường về tình hình xuống cấp nghiêm trọng của nhiều hạng mục công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn do Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị quản lý. Tình trạng này cảnh báo về nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm 2025, đồng thời đe dọa đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào năm 2026.

Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị hiện đang quản lý 17 hồ chứa, 2 đập dâng, 29 trạm bơm và hàng trăm ki-lô-mét kênh mương. Mặc dù đã được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nhưng do thiếu kinh phí, nhiều hạng mục xây dựng đã lâu ngày chưa được nâng cấp, đặc biệt là các phần thủy công, thiết bị cơ khí và thiết bị cao su.

Báo cáo chỉ rõ hiện trạng xuống cấp, hư hỏng của một số hạng mục công trình thủy lợi cần khắc phục khẩn cấp gồm phao cao su tràn Nam Thạch Hãn được lắp đặt từ năm 2000 và thay thế vào năm 2016, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý, sau trận lũ lịch sử năm 2020, phao bị thủng tới 11 lỗ và chỉ được vá tạm thời. Vào tháng 3/2022, phao tiếp tục bị nhả đường ép dán dài 7,5 m. Tình trạng rò rỉ nước liên tục tại đường ống dẫn và van cấp xả không chỉ gây lãng phí điện năng mà còn ảnh hưởng đến khả năng tích nước của công trình.

Đối với tràn xả lũ hồ Trúc Kinh, các cửa van thép của tràn xả lũ được đưa vào sử dụng từ năm 1994 và đang bị ăn mòn, han gỉ nghiêm trọng. Mặc dù đã được bảo trì định kỳ, nhiều thanh thép dầm phụ, thanh chống và tấm thép mặt cửa van đã bị mục thủng. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành và xả lũ, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tích nước phục vụ sản xuất.

Đối với đập Phú Dụng, hiện tượng thấm nước qua thân đập đất ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt khi mực nước hồ vượt quá cao trình +25 m. Nhiều vị trí trên mái hạ lưu xuất hiện vùng thấm ướt, thậm chí có nơi đất bị lầy thụt. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, mức an toàn của đập Phú Dụng hiện đang ở mức C, mức thấp nhất trong thang đánh giá an toàn đập đất.

Đối với đập ngăn mặn Châu Thị, sau hơn 35 năm vận hành, đập ngăn mặn này đã xuống cấp trầm trọng. Bê tông ngưỡng tràn bị xâm thực, bong tróc, cốt thép bị lộ. Các trụ pin bê tông bị nứt nẻ, rãnh phai bị sứt mẻ, biến dạng. Đặc biệt, tại khoang số 16, bê tông ngưỡng tràn và trụ pin đã bị sụp đổ do xói ngầm, khiến khoang này không còn khả năng ngăn mặn.

Để đảm bảo an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ sắp tới và phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2026, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai đã đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp gồm thay mới phao cao su và hệ thống cấp, xả nước đập Nam Thạch Hãn, sửa chữa tràn xả lũ Trúc Kinh (bao gồm thay mới cửa van, hệ thống điện và xây mới nhà vận hành), kiểm định an toàn đập Phú Dụng để có cơ sở xử lý chống thấm, xây mới toàn bộ đập ngăn mặn Châu Thị. Tổng kinh phí dự kiến để khắc phục khẩn cấp các công trình trên khoảng 32 tỉ đồng.

Trước tình hình cấp bách, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tăng cường kiểm tra, giám sát và có phương án xử lý kịp thời khi có sự cố. Đồng thời, chi cục đề xuất sở chủ trì, tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế để thống nhất phương án và đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí xử lý, đảm bảo an toàn cho các công trình trọng điểm này trước mùa mưa lũ 2025.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhieu-cong-trinh-thuy-loi-trong-diem-xuong-cap-nghiem-trong-mat-an-toan-trong-mua-mua-lu-193614.htm