Nhiều cửa biển ở Quảng Ngãi bị bồi lấp, gây trở ngại cho ngư dân đánh bắt hải sản

Hiện nay, Quảng Ngãi có sáu cửa biển lớn nhưng đều bị bồi lấp ở mức độ khác nhau. Ðặc biệt, từ sau Tết Quý Tỵ nhiều cửa biển đã bị bồi lấp nặng, trong đó cửa Mỹ Á, ở xã Phổ Quang, huyện Ðức Phổ và cửa Ðại, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa gần như bị bồi lấp hoàn toàn, gây trở ngại lớn cho tàu, thuyền ra khơi đánh bắt hải sản.

Cảng cá Sa Huỳnh đang ngày một bồi lấp.

Cảng cá Sa Huỳnh đang ngày một bồi lấp.

Tai họa nơi cửa biển

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 km bờ biển, với hơn 5.585 tàu thuyền thường xuyên ra khơi bám biển (trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm gần 70%) với tổng sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 127 nghìn tấn hải sản các loại. Ðây là một lợi thế, bảo đảm cho hàng chục nghìn hộ ngư dân trong tỉnh làm ăn phát đạt và có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, gần đây nhiều cửa biển bị bồi lấp như Sa Cần, Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), Sa Huỳnh (Ðức Phổ) và đặc biệt cửa Ðại, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa và cửa Mỹ Á, ở xã Phổ Quang huyện Ðức Phổ đã bồi lấp gần như hoàn toàn, tàu thuyền ra vào khai thác hải sản rất khó khăn. Nhiều tàu cá ra vào cửa biển bị mắc cạn, va chạm không những đã làm thiệt hại lớn về tài sản mà nhiều chủ tàu không có vốn để sửa chữa tàu phải bỏ nghề đi biển.

Mới đây có mặt tại cửa Ðại, xã Nghĩa An, chúng tôi gặp những chủ tàu đứng ngồi không yên nơi bãi biển chờ con nước triều lên cho tàu ra khơi. Chủ nhân con tàu đánh bắt xa bờ Lê Ðại (45 tuổi)-một ngư dân có bề dày đi biển trên 14 năm, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An chỉ tay về phía cửa biển bức xúc: Trước đây, cửa Ðại rộng khoảng hơn một km, thuận lợi cho tàu ra vào cập cảng.

Hai năm gần đây, cửa đã bị bồi lấp thường xuyên, nhất là sau Tết Quý Tỵ, cửa Ðại gần như đã bị bồi lấp hoàn toàn cho nên bà con làng chài ở đây không tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm được. Nhiều tàu ra khơi trước Tết thì không trở về được nên đành cho tàu tạm trú ở các cảng ngoài tỉnh.

Có hàng trăm chủ tàu cá ở đây đang rất sốt ruột trong mùa biển lặng, vì cửa biển quá cạn cho nên chờ cả tháng nay rồi mà không thể nào cho tàu ra khơi. Các đội tàu công suất lớn thường ngày cử người có kinh nghiệm ra cửa biển canh con nước thủy triều và tính toán, nếu có điều kiện là cho tàu ra khơi ngay. Có chủ tàu đã mua vật tư, lương thực, thực phẩm, đá lạnh và thuốc men cả tháng trước và sẵn sàng chờ nước lên là cho tàu "xuất phát" tiến ra biển lớn khai thác hải sản.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Ðỗ Ngọc Tây cho biết: Ðịa phương có hai cửa biển rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế biển, nhưng hiện tại cửa Lở đã bị bồi lấp hoàn toàn, còn cửa Ðại thì bị bồi lấp khoảng 80% cửa biển với chiều dài chừng 1,5 cây số. Ðây là thiệt hại kinh tế đáng kể đối với bà con ngư dân trong xã. Ngay sau Tết Quý Tỵ, xã đã làm báo cáo khẩn gửi lên huyện, tỉnh về tình hình cửa biển bồi lấp đã làm cho hơn 900 tàu cá (trong đó 60% số tàu đánh bắt xa bờ) gặp khó khăn ra khơi bám biển. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng khắc phục. Hiện nay xã Nghĩa An đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá với 216 đoàn viên và 65 Tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển với đội tàu hơn 900 chiếc chuyên làm nghề lưới chuồn, lưới rê, giã cào, câu khơi và cá mập, cá ngừ đại dương, nhưng do cửa biển bị bồi lấp, tàu ra vào trở ngại, ngư dân thất nghiệp.

Hiện nay, cửa Mỹ Á, Sa Huỳnh vẫn bị bồi lấp. Tai họa luôn rập rình đối với những con tàu mỗi khi ra cửa biển vươn khơi. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðức Phổ Trần Em cho biết: Huyện đã được Nhà nước quan tâm đầu tư Dự án cảng cá Sa Huỳnh, cảng cá Mỹ Á và đến nay đã hoàn thành giai đoạn I, nhưng thực chất khi đưa vào sử dụng vẫn còn nhiều bất cập. Dự án này mới thông luồng cảng nhưng thường xuyên bị cát bồi lấp. Ngay trong mùa nắng khai thác hải sản thuận lợi, nhưng tàu ra vào cảng vẫn thường xuyên mắc cạn. Có khi tàu mắc cạn bị vỡ phải nằm bờ sửa chữa cả mấy tháng mới hoạt động trở lại.

Ngư dân thất nghiệp, làng chài dần mất

Khi đoàn tàu đánh cá chủ lực của những làng chài ở xã Phổ Thạnh, Phổ Quang, Nghĩa An và Ðức Lợi không ra khơi được, hoạt động kém hiệu quả do cửa biển bị bồi lấp đã kéo theo nhiều bất cập trong việc phát triển kinh tế biển ở đây. Nhiều ngư dân bức xúc nói: Khi hàng trăm con tàu lớn bị cửa biển bồi lấp không ra khơi được thì nghề biển của họ coi như chết đứng và nguy cơ ngư dân thất nghiệp, làng chài cũng sẽ dần biến mất. Thực tế cho thấy, trước đây làng chài Phổ Thạnh, Nghĩa An rất sầm uất. Ngư dân làm ăn phát đạt. Trong ba năm trở lại đây, do cửa biển bị bồi lấp đã làm cho hàng trăm tàu cá phải nằm bờ và hàng nghìn lao động tại địa phương bị thất nghiệp. Nhiều cơ sở chế biến hải sản, sửa chữa tàu thuyền và hoạt động các dịch vụ hậu cần nghề cá dường như "đứng bánh".

Rõ ràng từ khi những cửa biển ở Quảng Ngãi bị bồi lấp nặng, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ hạn chế về cập bến. Các địa phương trọng điểm nghề cá không những mất đi một sản lượng hải sản đáng kể, mà quan trọng hơn là ngư dân ở đây thiếu việc làm nghiêm trọng. Cuộc sống của nhiều gia đình ngư dân đang gặp khó khăn. Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Ðỗ Ngọc Tây xác định: Xã đi lên chủ yếu nhờ phát triển kinh tế biển, nhưng tình hình tàu thuyền của bà con ngư dân không đi biển được đã ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế năm 2013 khá lớn. Nhiều cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động kém hiệu quả như: cơ sở đóng, sửa tàu thuyền, nghề gia công hàn, tiện, cơ sở cung cấp đá cây, xăng dầu. Hiện nay nhiều lao động làm biển đã thất nghiệp, chợ quán, bến cá vắng người mua bán và những thanh niên chưa đi biển được đã tụ tập uống rượu, cờ bạc gây tình hình trật tự trên địa bàn khá phức tạp...

Có thể nói, tình trạng nhiều cửa biển ở Quảng Ngãi hiện nay đang bị bồi lấp quá lớn. Các địa phương bị ảnh hưởng khá nặng như xã Phổ Quang, Phổ Thạnh và xã Nghĩa An đã có báo cáo kiến nghị lên cấp trên. Ðề nghị tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế và sớm có giải pháp tháo gỡ trước mắt để thông luồng cửa biển, bảo đảm cho tàu thuyền ra khơi khai thác hải sản an toàn, hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho bà con ngư dân hiện nay.

MINH TRÍ

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/20060102-.html