Nhiều cửa hàng lại treo biển 'hết xăng', TP.HCM tính quy định bán ít nhất 12 tiếng/ngày

Sau khoảng 10 ngày ổn định, hình ảnh các cây xăng treo biển 'hết xăng' hoặc 'hết xăng còn dầu', ngưng bán hàng tại TP.HCM đã xuất hiện trở lại.

Ghi nhận nhanh của PV. VietNamNet lúc 17h30 ngày 26/10, một số cây xăng đã quay lại tình trạng “cạn” xăng.

Cụ thể, cửa hàng xăng dầu DDS Petro nằm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) dựng rào chắn, treo biển tạm ngưng bán hàng.

Cùng thời gian này, trạm xăng dầu Quang Trung chi nhánh 12 thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Cần Giờ nằm trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) cũng đề bảng “hết xăng”.

“Còn 1 vạch xăng nên ghé vào đây đổ mà nhân viên bảo hết, giờ phải tìm cây xăng khác. Đường thì đông mà cứ loay đi tìm xăng”, anh Nguyễn Văn Bình - một nhân viên văn phòng trên đường đi làm về nói.

Tương tự, một cây xăng khác thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Cần Giờ nằm trên đường Trần Não (TP. Thủ Đức) cũng trong cảnh “hết xăng còn dầu” trong chiều 26/10.

Dán giấy phục vụ 24/24 nhưng cây xăng này đã hết xăng từ chiều tối. (Ảnh: Chí Hùng)

Dán giấy phục vụ 24/24 nhưng cây xăng này đã hết xăng từ chiều tối. (Ảnh: Chí Hùng)

Một cửa hàng xăng tạm ngưng bán tại quận Gò Vấp chiều ngày 26/10. (Ảnh: Chí Hùng)

Một cửa hàng xăng tạm ngưng bán tại quận Gò Vấp chiều ngày 26/10. (Ảnh: Chí Hùng)

Trước đó, trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện một cây xăng bán lẻ nằm trên quốc lộ 1K (TP.HCM) cho biết, tình hình kinh doanh xăng dầu vẫn chưa mấy khả quan. Việc bán hàng diễn ra cầm chừng do phải chờ đợi tiếp hàng từ doanh nghiệp đầu mối, nếu nay hết xăng có thể phải chờ tới ngày hôm sau.

Ngoài ra, với mức chiết khấu 40 đồng/lít, chi phí vận chuyển mất 150 đồng/lít, ngay khi xăng dầu được đưa tới cửa hàng là cây xăng đã lỗ 110 đồng/lít, chưa tính chi phí thuê mặt bằng và nhân công. Cũng theo chủ cây xăng này, mức chiết khấu cho các đơn vị bán lẻ xăng dầu phải đạt khoảng 700 đồng/lít thì mới đủ bù đắp chi phí, trả lương nhân viên, tiền điện nước. Còn nếu chiết khấu ở mức 500-600 đồng/lít chỉ đủ huề vốn. “Chúng tôi ráng chờ Bộ Công Thương - Bộ Tài chính tính lại mức chiết khấu. Chỉ mong đủ chiết khấu để trang trải cho hoạt động kinh doanh quá khó khăn hiện nay”, bà chủ cây xăng chia sẻ.

Còn ông Phạm Văn Thoại - Chủ tịch Saigon Petro (doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu) thì lại cho biết, tình hình cung ứng xăng dầu của doanh nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì theo đúng cam kết với Bộ Công Thương. Hiện, đơn vị này được giao cung ứng ra thị trường sản lượng 30.000 m3 xăng dầu/tháng. Tuy nhiên, chính sách chiết khấu bán hàng đối với các cây xăng lẻ thì Saigon Petro vẫn giữ nguyên, không có sự thay đổi so với trước.

Một cây xăng đóng cửa để sửa chữa tại TP.HCM. (Ảnh: Trần Chung)

Một cây xăng đóng cửa để sửa chữa tại TP.HCM. (Ảnh: Trần Chung)

Một cửa hàng hết xăng còn dầu trong chiều ngày 26/10. (Ảnh: Chí Hùng)

Một cửa hàng hết xăng còn dầu trong chiều ngày 26/10. (Ảnh: Chí Hùng)

Trước đó, tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, diễn ra ngày 24/10, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, chỉ rõ, một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Trần Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-cua-treo-bien-het-xang-tp-hcm-tinh-quy-dinh-ban-it-nhat-12-tieng-ngay-2073839.html