Nhiều cửa hàng trên những con 'phố vàng' phải đóng cửa để cắt lỗ
Những cửa hàng bán lẻ tại các phố trung tâm của Hà Nội bấy lâu luôn là 'tấc vàng', đắt giá và đắt khách thuê, nay ế ẩm vì dịch Covid-19.
Cửa hàng vắng khách thuê vì dịch Covid-19
Những con phố trung tâm Hà Nội như Bà Triệu, phố Huế, Hàng Đào, Hàng Ngang vốn lâu nay là những con phố sầm uất hội tụ tất cả các dịch vụ ăn uống, giải trí và mua sắm cho người dân. Mặt bằng thuê hàng chục triệu đến hàng trăm triệu nhưng cũng khó để tìm được. Tuy nhiên, hiện tại nhiều cửa hàng tại đây phải đóng cửa vì ế ẩm, kinh doanh không đủ trả tiền thuê mặt bằng.
Nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ hay các hộ kinh doanh chỉ làm ăn cầm chừng, thậm chí đã đóng cửa. Không ít cửa hàng lớn phải trả lại mặt bằng, giờ đang rao bảng cho thuê.
Anh Dũng một chủ nhà trên phố Hàng Ngang cho biết, không chỉ mỗi nhà tôi, trên phố Hàng Ngang, 1/3 người kinh doanh đóng cửa hàng tạm nghỉ hoặc trả mặt bằng, những cửa hàng còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.
“Mặt bằng nhà tôi cho thuê 2 tầng, diện tích gần 100 m2, giá thuê là 80 triệu đồng/tháng nhưng nay người thuê đã trả lại trước hạn hợp đồng khi kinh doanh lỗ. Sau khi nhận lại mặt bằng đã rao cho thuê nửa tháng nay nhưng không có người hỏi” - anh Dũng nói.
Theo một chủ cửa hàng bán quần áo trên phố Bà Triệu, lượng khách từ Tết ra qua hai đợt dịch Covid-19 chỉ còn khoảng 20% so với trước đây. Khách vắng nhưng tiền lương cho nhân viên và tiền thuê mặt bằng không giảm, cửa hàng phải cắt giảm nhân viên để giảm lỗ, còn tiền thuê đã trả theo năm nên phải duy trì cửa hàng.
Với cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thì những khó khăn còn lớn hơn nhiều. Hệ thống 9 quán bia hơi của một thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội nay đã đóng cửa 7 còn 2 cơ sở đang duy trì hoạt động nhưng lượng khách vẫn rất vắng.
Anh Huy một chủ cửa hàng ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho biết, sau gần 1 tháng hoạt động cửa hàng lỗ gần 100 triệu đồng tiền thuê và tiền trả nhân viên. Bệnh dịch có những diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài khiến việc kinh doanh rất ế ẩm.
Chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm một lần có lặp lại?
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, với tác động “kép" từ chính những khó khăn mang tính nội tại của thị trường bất động sản năm vừa qua cùng với cú “bồi” từ dịch Covid-19 đã khiến khoảng 300 sàn giao dịch bất động sản buộc phải đóng cửa.
Đây là những con số thống kê chưa đầy đủ, mang tính chất tương đối nhưng cũng phản ánh được sự khó khăn thị trường bất động sản là rất lớn thời điểm này.
“Khách hàng tâm lý ngại đến chỗ đông, ngại tiếp xúc với người lạ, chỉ có nhu cầu thực phẩm thiết yếu. Còn các sản phẩm như nhà cửa, đất đai, dịch vụ… không phải là ưu tiên hàng đầu. Khi hàng quán dịch vụ vắng khách thì mảng bất động sản cho thuê chịu ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến là các phân khúc khác” - ông Đính nói.
Sau du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp kế đến sẽ là các ngành sản xuất, bất động sản… đang chịu tác động của dịch Covid-19.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, dịch Covid-19 đang “tàn phá” nền kinh tế, tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu bệnh dịch tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới.
Gần đây, trên thế giới đã trải qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1997 và 2008, nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế vào năm nay thì chu kỳ 10 năm một lần khủng hoảng tiếp tục được lặp lại. Và khủng hoảng kinh tế lần này lại bắt nguồn từ một nguyên nhân phi kinh tế./.
Trên thế giới các chuyên gia đã nhận định tình hình xấu nhất khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào trạng thái tê liệt. Với kịch bản xấu nhất này, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ trượt về mức 0%./.