Nhiều 'đại gia' đầu tư cân nhắc mua lại danh mục cho vay của SVB
Tờ Financial Times ngày 14/3 đưa tin, những 'người khổng lồ' ngành đầu tư tư nhân đang cân nhắc mua lại danh mục cho vay của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
Các công ty đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới đang nghiên cứu việc mua các khoản vay từ phần còn lại của SVB sau sự sụp đổ của ngân hàng cho vay tập trung vào công nghệ hồi tuần trước. Theo các nguồn thạo tin, những cái tên như Blackstone Group, Apollo Global Management, KKR, Ares Management và Carlyle Group đang nằm trong nhóm các công ty cân nhắc việc mua lại và đang kiểm tra danh mục cho vay trị giá 74 tỷ USD của SVB để tìm những phần có thể phù hợp với danh mục tín dụng của họ.
Sự quan tâm của các nhóm đầu tư tư nhân xuất hiện khi họ tập trung vào các doanh nghiệp cho vay truyền thống do các ngân hàng chi phối.
Apollo với danh mục đầu tư 550 tỷ USD đang tích cực xem xét danh mục cho vay của SVB để tìm những phần có thể phù hợp với đơn vị tín dụng của mình. Chi nhánh tín dụng trị giá 246 tỷ USD của Blackstone cũng đang cân nhắc việc mua một số danh mục cho vay lớn của SVB mà họ cho là đã đáo hạn và có quy mô phù hợp. Bộ phận giải pháp quỹ phòng hộ của Blackstone, đang quản lý 80 tỷ USD tài sản thay cho các nhà đầu tư tổ chức, có thể xem xét mua Silicon Valley Bank Capital, đơn vị phụ trách quỹ đầu tư của ngân hàng với tài sản 8 tỷ USD. Blackstone không quan tâm đến việc mua toàn bộ ngân hàng.
KKR, Carlyle và Ares cũng đã bắt đầu nghiên cứu việc mua tài sản cho vay từ SVB. Apollo cũng không tìm cách mua lại toàn bộ SVB, nhưng có thể hỗ trợ một nhóm các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu xem xét khôi phục một phần hoạt động hướng tới khách hàng của ngân hàng này.
Trong diễn biến liên quan, SVB cùng ngày 14/3 cho biết Goldman Sachs Group đã mua danh mục đầu tư trái phiếu của họ trước khi các cơ quan quản lý liên bang tiếp quản ngân hàng này.
Danh mục đầu tư của SVB - gồm phần lớn là Trái phiếu Kho bạc Chính phủ Mỹ - có giá trị 23,97 tỷ USD tính theo sổ sách. Việc bán danh mục đầu tư này đã mang lại khoản tiền 21,45 tỷ USD cho SVB.
Ngân hàng đã tiến hành bán cổ phiếu để củng cố bảng cân đối kế toán sau khi bị lỗ 1,8 tỷ USD từ việc bán đi danh mục đầu tư. Song động thái đó đã làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và người gửi tiền, thúc đẩy một đợt rút tiền hàng loạt mà cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của SVB.