'Nhiều đàn ông cho mình quyền được quấy rối phụ nữ'
Chuyên gia cho rằng tình trạng quấy rối phụ nữ tiếp diễn bởi bất bình đẳng giới chưa thể xóa bỏ. Nhiều nam giới nghĩ có quyền điều khiển, giao tiếp với phụ nữ theo cách họ muốn.
Với hành động vỗ mông một phụ nữ trong thang máy chung cư ở TP.HCM, người đàn ông Estonia chỉ phải chịu mức phạt 200.000 đồng. Sự việc này tương tự vụ việc từng xôn xao dư luận năm 2019, khi một người đàn ông sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội.
Sau gần 2 năm, mức phạt này không thay đổi dù đã có sự vào cuộc, đấu tranh từ truyền thông đến cộng đồng.
Bà Lê Thị Lan Phương, chuyên gia quản lý dự án "Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ" thuộc tổ chức UN Women Vietnam (Cơ quan của Liên Hợp Quốc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam), cho rằng kể cả khi mức xử phạt thay đổi, các hành động này vẫn có thể tái diễn do sự bất bình đẳng giới chưa thể xóa bỏ ở Việt Nam và trên thế giới.
Zing đã có cuộc trao đổi với bà Phương xoay quanh chủ đề này.
Bất bình đẳng giới chưa thể xóa bỏ
- Thưa bà, với vai trò là chuyên gia nghiên cứu về vấn đề bạo lực và quấy rối phụ nữ, bà đánh giá như thế nào về việc người đàn ông nước ngoài vỗ mông phụ nữ trong thang máy. Đây có bị coi là hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng?
- Trước hết, tôi phải nói rằng những hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng thường xảy ra hàng ngày và mọi người coi đó là chuyện bình thường nên nhiều trường hợp tương tự sự việc vừa qua không được phát hiện, trình báo. Việc quấy rối tình dục không phân biệt quốc gia, dân tộc, có thể được thực hiện bởi cả người Việt Nam và người nước ngoài.
Theo định nghĩa của UN Women, bất cứ hành động nào khiến cho người phụ nữ không thoải mái ở nơi công cộng, đều là hành vi quấy rối, dù có đụng chạm vào cơ thể hay không.
Từ những thứ rất đơn giản như cái huýt sáo khi bạn đang đi ngoài đường hoặc bạn bị nhìn với ánh mắt gợi dục, tò mò, khiếm nhã, đều bị coi là hành vi quấy rối.
Ở trường hợp đưa ra, người đàn ông có hành động vỗ mông người phụ nữ, tức là đã có động chạm cơ thể và bị người phụ nữ phản ứng. Do đó, hành động này chắc chắn là quấy rối tình dục nơi công cộng.
Ngoài ra, có những loại quấy rối mà người thực hiện không đụng chạm cơ thể, thậm chí không gặp trực tiếp. Họ chỉ gửi những tin nhắn, bình luận khiếm nhã khiến tinh thần người phụ nữ bị tra tấn. Đó cũng là một hình thức quấy rối mà nhiều người từng gặp.
- Theo lời kể của nhân vật, khi bị phản ứng trước hành động khiếm nhã, người đàn ông ngay lập tức nói rằng đó là một lời khen. Ở các quốc gia khác, lý lẽ này có được chấp nhận không?
- Những hành vi quấy rối tình dục xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa về việc bất bình đẳng giới giữa nam và nữ. Và dù ở quốc gia nào, một số người đàn ông luôn coi họ là chủ thể có quyền thể hiện ý muốn, quan điểm với phụ nữ theo cách họ muốn, kể cả là quấy rối tình dục.
Trong một khảo sát của chúng tôi năm 2017, nhiều người đàn ông cho rằng nếu phụ nữ được chú ý và trêu ghẹo thì phải cảm thấy may mắn bởi phải xinh đẹp, gợi cảm thì mới "được như thế". Đây là những quan điểm “bình thường hóa bạo lực với phụ nữ”.
Vấn đề quấy rối tình dục với phụ nữ cũng vậy. Nó dựa trên quan điểm thống trị của nam giới và được hình thành từ rất lâu rồi. Bản thân nhiều người đàn ông, hay thậm chí cả phụ nữ, cũng không nghĩ đó là những hành vi quá đáng, chỉ nghĩ là hành động bình thường.
Do đó, lý lẽ mà người đàn ông kia đưa ra để nói về hành động khiếm nhã của mình có thể xuất phát từ suy nghĩ này. Với những người đàn ông như thế này, phụ nữ chỉ là chủ thể để đáp ứng nhu cầu của riêng họ. Họ không cần quan tâm việc mình làm có được người phụ nữ chấp nhận hay không.
Mức phạt 200.000 đồng gây ra nhiều hệ lụy
- Chúng ta đã nói rất nhiều về mức xử phạt 200.000 đồng đối với hành vi quấy rối phụ nữ. Bà đánh giá như thế nào về chế tài này?
- Tôi phải nói đây là một mức phạt rẻ mạt. Hành vi của người đàn ông này khiến tôi nhớ lại vụ việc tương tự ở Hà Nội năm 2019. Người đàn ông có hành động sàm sỡ phụ nữ trong thang máy cũng bị phạt 200.000 đồng.
Mức xử phạt này cực kỳ bất cập. Bởi lẽ, hành vi quấy rối có thể gây nên những thiệt hại lâu dài về mặt tâm lý chứ không chỉ gây ra sự sợ hãi cho nạn nhân ngay lúc đó.
Danh dự và nhân phẩm của phụ nữ thì không thể quy ra bằng tiền, nhưng việc xử lý những hành vi như này với một mức tiền như vậy không mang tính răn đe và vô hình trung tạo ra sự khuyến khích cho những người nam giới khác. "Tôi có thể làm như thế mà chỉ bị phạt 200.000 đồng thôi", họ sẽ nghĩ vậy.
Tuy nhiên, tôi cho rằng 200.000 đồng không phải mức phạt duy nhất đối với những kẻ có hành động này. Ví dụ trường hợp ở Hà Nội năm 2018, theo tôi biết, chung cư đã công khai danh tính của người đàn ông đó và nhiều nơi thì đã từ chối cho kẻ này thuê nhà. Đó cũng là hậu quả mà kẻ vi phạm phải chịu. Nó còn nặng nề hơn rất nhiều so với mức phạt hành chính.
Khi chưa có sự thay đổi về mặt luật pháp để theo kịp diễn biến của xã hội thì việc dư luận lên tiếng để người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm giải trình với công chúng, với phụ nữ về những hành động mà họ đã làm, cũng là một chế tài rất quan trọng.
- Việc đưa ra mức xử phạt 200.000 đồng có thể gây ra những hệ lụy gì? Và ở nước ngoài thì chế tài xử lý các trường hợp này được thực hiện thế nào, thưa bà?
- Chúng ta không thể phủ nhận rằng mức phạt này gây ra quá nhiều hệ lụy. Trực tiếp thì có thể thấy rằng nó khiến cho các hành vi tương tự có khả năng lặp lại trong cộng đồng nhiều hơn.
Một cách gián tiếp, sự nguy hiểm ở ngoài xã hội sẽ hạn chế cơ hội được đi ra ngoài của trẻ em gái. Khi cộng đồng xung quanh không an toàn, nhiều bạn gái khi đi ra đường sẽ phải cảnh giác, bị ngăn cấm khi ra đường quá muộn hoặc nhắc nhở khi đi một mình. Việc này hạn chế khả năng đi lại, quyền tự do di chuyển và tiếp cận không gian an toàn của phụ nữ, trẻ em gái.
Nghe thì rất đơn giản nhưng từ đó, các bất cập này có thể hạn chế cả cơ hội việc làm, học tập và cơ hội vui chơi giải trí, thể hiện đúng bản thân mình của nữ giới.
Nhiều nước phát triển có luật và chế tài rất cụ thể đối với những hành vi như vậy. Người thực hiện các hành vi này mà bị tố cáo thì có thể phải đi cải tạo hoặc tham gia lớp tập huấn điều chỉnh hành vi.
Sau khi tốt nghiệp lớp tập huấn đó và trở về cộng đồng, họ sẽ bị giám sát 3 tháng, 6 tháng thậm chí đến 2 năm tùy theo mức độ vi phạm. Trong thời gian bị giám sát, nếu người đàn ông đó lại gần người phụ nữ mình từng quấy rối thì có thể bị bắt ngay lập tức.
Đây là mức chế tài có tác động hơn rất nhiều so với mức xử phạt hành chính 200.000 đồng.
Quấy rối tình dục nơi công cộng khó xử lý
- Vậy bà đánh giá như thế nào về thực trạng quấy rối tình dục nơi công cộng ở Việt Nam so với thế giới. Vì sao những sự việc như vừa qua vẫn tồn tại?
- Tôi cho rằng thực trạng này xuất phát từ lịch sử lâu đời, từ quan niệm về sự yếu thế hơn của phụ nữ hình thành trong lịch sử của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, vấn đề quấy rối rất khó để có những can thiệp ngay lập tức, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các nhóm xã hội khác nhau, từ cá nhân đến gia đình, cộng đồng, trường học và nơi làm việc.
Trong một khảo sát quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam, 63% phụ nữ đã từng kết hôn ở Việt Nam phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Riêng tỉ lệ bị bạo lực tình dục là 19%, cao hơn rất nhiều năm 2010.
Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu về quấy rối tình dục. Năm 2014, tôi từng tham gia làm khảo sát về quấy rối tình dục với phụ nữ nơi công cộng ở Hà Nội và TP.HCM. Khảo sát đó cho ra số liệu giật mình là 87% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức quấy rối tình dục nơi công cộng trong đời. Đó là con số rất cao, ngay cả tôi hay bạn cũng có thể nằm trong số đó.
Đến năm 2017, chúng tôi hỗ trợ TP.HCM để khảo sát đầu vào cho dự án về thành phố an toàn. 18,5% phụ nữ được khảo sát cho biết từng bị quấy rối nơi công cộng trong vòng 1 năm qua và hơn 12% nam giới đã khẳng định rằng họ có một trong những hành vi quấy rối phụ nữ nơi công cộng. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với trung bình trên thế giới.
Ngoài ra, hành vi quấy rối thường xảy ra rất nhanh, trừ khi có bằng chứng như ở trong thang máy hoặc những nơi có camera ghi lại thì nạn nhân mới có thể tố cáo. Còn lại, những người bị quấy rối ít khi đi báo cáo về những hành động này vì không có bằng chứng.
Đó là vấn đề mà chúng tôi cũng như những cơ quan liên quan đang vận động để thay đổi chính sách, quy định pháp luật để có những định nghĩa đầy đủ hơn, rộng hơn và điều quan trọng là có những chế tài phù hợp để xử lý vấn đề này.
- Với vai trò là cơ quan bảo vệ quyền phụ nữ của Liên Hợp Quốc, UN Women có những giải pháp hay khuyến cáo gì để thay đổi thực trạng này, hoặc ít nhất là giảm thiểu nó?
- Quan điểm của các cơ quan Liên Hợp Quốc nói chung là chúng tôi sẽ can thiệp theo mô hình sinh thái với 5 vòng tròn. Trong các vòng tròn đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn can thiệp đến từng cá nhân bằng các chương trình nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, thay đổi các quan điểm về quấy rối tình dục và bất bình đẳng giới.
Và giáo dục là một mô hình can thiệp rất nhân văn. Với nam giới, nếu được học từ sớm thì các em sẽ biết đó là những hành vi quấy rối và sẽ không thực hiện hành vi được cảnh báo. Thay vào đó, các em sẽ áp dụng việc giao tiếp có tôn trọng với các bạn nữ.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng cha mẹ cần có các kỹ năng dạy con theo quan điểm bình đẳng giới, kỹ năng giáo dục con không sử dụng bạo lực mà giáo dục trên phương pháp kỷ luật tích cực. Cả cô giáo ở trong nhà trường cũng phải trở thành các hình mẫu về những điều này để học sinh noi theo.
Trong trường học, tôi nghĩ rằng ngoài các chương trình giáo dục kỹ năng sống, thì thông điệp về bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực phải được lồng ghép xuyên suốt trong các môn học. Phải làm thế nào để các em có thể tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng và đặc biệt là đối xử với nhau không sử dụng các hành vi khiếm nhã, không sử dụng bạo lực hay các hành động gây khó chịu cho người khác.
Rộng hơn, sự can thiệp về luật pháp, thay đổi chính sách là giải pháp quan trọng để giảm thiểu các hành động xấu trong cộng đồng. Tại Việt Nam, luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đã có nhưng chưa có luật nào liên quan đến việc quấy rối tình dục.
Vấn đề này mới chỉ được đề cập ở trong Luật Lao động liên quan đến việc quấy rối tình dục nơi làm việc, còn chưa có chế tài nào nói đến quấy rối nơi công cộng ngoài xử phạt vi phạm hành chính.
Vì thế, chúng tôi cũng đang hỗ trợ cho Chính phủ để có những chính sách phù hợp với bối cảnh hiện tại. Sự can thiệp phải tổng thể và tác động đến từng vòng tròn sinh thái của cá nhân thì mới tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-dan-ong-cho-minh-quyen-duoc-quay-roi-phu-nu-post1156899.html