Nhiều đề xuất để quy hoạch có tính ổn định, lâu dài
Trong nỗ lực xây dựng thành phố hiện đại nhưng có bản sắc, Hà Nội vẫn còn đó nhiều tồn tại, khó khăn. Đó là nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở bình dân thấp hơn nhu cầu thực tế. Tình trạng đầu cơ bất động sản; việc mở đường giao thông hay triển khai công trình dân sinh còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, tốn chi phí lớn.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất tới việc phát triển đô thị mới ưu tiên các khu vực có nhu cầu sử dụng lao động như khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ, trường đại học... để cung cấp nơi ở tại chỗ cho các đối tượng lao động và hạn chế việc phải di chuyển thường xuyên cắt ngang thành phố gây quá tải hệ thống hạ tầng giao thông. Một đề xuất khác liên quan đến việc phát triển quỹ đất 2 bên bờ sông tạo nguồn thu cho ngân sách.
Quy hoạch luôn phải đi trước một bước, nên việc triển khai quy hoạch cần cái nhìn lâu dài. Như chuyện mở đường thời gian qua, chi phí giải phóng mặt bằng luôn chiếm phần lớn. Đơn cử như tại dự án mở rộng đường Láng, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm đến gần 97%, trong khi công tác xây lắp chỉ hơn 500 tỷ đồng. Sau mở đường, giao thông được giảm ùn tắc nhưng sẽ có nhà siêu mỏng siêu méo gây mất mỹ quan đô thị.
Nhiều chuyên gia kiến nghị phương án mở đường nhưng kết hợp thu hồi đất hai bên rộng hơn so với quy hoạch để tiến hành đấu giá. Điều này vừa thực hiện được sự công bằng xã hội khi một số người ở phía trong không thuộc diện giải phóng mặt bằng nhưng được hưởng lợi; vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Hà Nội là đô thị mới đang trong quá trình xây dựng. Cùng với việc hoàn thiện thể chế sẽ cần nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp để Thủ đô từng bước phát triển, đáp ứng được kỳ vọng của mọi người dân.