Nhiều địa phương đang khẩn trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Nhiều địa phương đang lên kế hoạch, phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hiện thực hóa công cuộc này để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Hà Nội sẽ giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp

Giám đốc Sở Nội vụ TP.Hà Nội Trần Đình Cảnh đã quán triệt Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TP.Hà Nội, giai đoạn 2023-2025; có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Nghị quyết quy định việc sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã của TP.Hà Nội.

Kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành, TP.Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 17 huyện, 12 quận và 1 thị xã; 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 345 xã, 160 phường và 21 thị trấn (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện tại). Sở Nội vụ sẽ có hướng dẫn chuyển cán bộ, công chức cấp xã lên công chức nhà nước.

Quảng Bình lên kế hoạch tinh gọn bộ máy trong tháng 12.2024

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang cho biết, tỉnh này sẽ tổng kết Nghị quyết 18 trong tháng 12, đồng thời đề xuất các phương án để tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị để trình Trung ương.

Theo ông Lê Ngọc Quang, đây là vấn đề rất khó, bởi khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.

"Tôi đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải đặt quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất để tỉnh ta thực hiện thành công cuộc cách mạng này, tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng hành, tham gia của đồng bào, cử tri và nhân dân trong tỉnh trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy", ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.

Đồng Tháp lên phương án giảm 12 đầu mối cấp tỉnh

Ngày 9.12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 để thảo luận các phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cấp huyện, cấp tỉnh.

Theo phương án tinh gọn, việc sắp xếp tổ chức bộ máy dự kiến sẽ giảm 12 đầu mối cấp tỉnh, 36 đầu mối cấp huyện. Quá trình thực hiện sẽ hoàn thành trước ngày 31.12.2024 để kịp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh: "Việc sắp xếp tổ chức không phải là làm cơ học, mà là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới".

Đà Nẵng khẩn trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 18 khai mạc sáng nay (9.12), ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng quán triệt những nội dung chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 về việc triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 18.

Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai ngay việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy với các nhóm nhiệm vụ lớn.

Nhóm nhiệm vụ lớn thứ nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đầu mối bên trong, yêu cầu thực hiện ngay từ tháng 12 năm 2024. Đây là một yêu cầu rất mới, trong đó rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý theo các nội dung gợi ý, định hướng của Bộ Chính trị.

Thanh Hóa giảm 5 sở sau khi tinh gọn bộ máy

Ngày 9.12, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 và thông tin dự thảo lần 1 về đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thanh Hóa sẽ sáp nhập các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, gồm: Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư; Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Khoa học - Công nghệ; Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và Sở Nội vụ. Như vậy, sau sáp nhập, sẽ giảm 5 sở.

TP.HCM giảm 8 sở, 5 cơ quan hành chính

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết mới đây đã trình bày phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy các ban Đảng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM.

Về phương án tinh gọn bộ máy khối chính quyền, TP.HCM nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc trung ương có bộ nào TP.HCM có sở tương ứng.

Theo đó, TP.HCM nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông TP.

Như vậy, sau sắp xếp, TP.HCM có 13 cơ quan chuyên môn gồm: Sở Kế hoạch, Đầu tư và Tài chính; Sở Quản lý đô thị; Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi Trường; Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Nội vụ...

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhieu-dia-phuong-dang-khan-truong-sap-xep-tinh-gon-bo-may-226933.html