Nhiều địa phương, dự án xin cơ chế đặc thù, đại biểu Quốc hội đề nghị 'đại cải cách thủ tục hành chính'

Thời gian qua hàng loạt dự án, chương trình, địa phương xin cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi phải chăng thể chế và thủ tục hành chính đang bó buộc sự năng động, sáng tạo và hiệu quả của hành chính nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) đề nghị Chính phủ có báo cáo chuyên đề về cải cách hành chính trình Quốc hội hàng năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) đề nghị Chính phủ có báo cáo chuyên đề về cải cách hành chính trình Quốc hội hàng năm.

Đề nghị từ năm 2025, Chính phủ có báo cáo chuyên đề về cải cách hành chính

Sáng 30/5, tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về tờ trình của Chính phủ về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị Quốc hội kể từ năm 2025 trở đi cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính để Quốc hội nghiên cứu, thảo luận và giám sát có chất lượng hơn vấn đề này, nhất là đối với những lĩnh vực cần phải thực hiện cải cách để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Về lý do, đại biểu nêu:

Một là, trong nhiều năm qua cải cách thủ tục hành chính được Đảng, Nhà nước ta xác định là khâu trọng tâm, đột phá trong cải cách hành chính nhà nước.

Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định trọng tâm lớn, đó là "Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, đi đôi với nâng cao năng lực thực thi, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Hai là, trong các phiên thảo luận của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, rất nhiều đại biểu quan tâm, kiến nghị có liên quan đến cải cách thủ tục hành chính. Mặc dù từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành trung ương thực hiện cắt giảm 2.866 quyết định kinh doanh, phân cấp 206 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 763 thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết để phục vụ người dân và doanh nghiệp; nhưng theo báo cáo đánh giá của Chính phủ và kiến nghị của nhiều cử tri, của địa phương, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Đồng thời, Nghị quyết số 76/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đề ra nhiều mục tiêu quan trọng phải đạt được trong năm 2025 và năm 2030 về cải cách thủ tục hành chính.

"Vì vậy, từ năm 2025 trở đi, tôi trân trọng kiến nghị cần có báo cáo nội dung này cho Quốc hội", bà Xuân nói.

Gánh nặng thủ tục hành chính vẫn đang là một rào cản lớn hiện nay (Ảnh minh họa)

Gánh nặng thủ tục hành chính vẫn đang là một rào cản lớn hiện nay (Ảnh minh họa)

Cần có cuộc "đại cải cách thủ tục hành chính"

Phân tích thêm, nữ đại biểu đặt câu hỏi: "Vì sao thời gian qua Chính phủ và các địa phương liên tục muốn có cơ chế đặc thù, từ đặc thù cho các công trình giao thông đường bộ, các chương trình mục tiêu quốc gia hay các địa phương đều xin cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng, về tài chính, ngân sách, về quản lý đô thị, về tài nguyên môi trường, về biên chế bộ máy của chính quyền đô thị.

Phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề, chưa theo kịp thực tiễn, làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ, đang bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng và hiệu quả của hành chính nhà nước, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước?".

Cho rằng thời gian là nguồn lực quý giá của sự phát triển, đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, thực tiễn đòi hỏi nước ta cần có một cuộc đại cải cách về thủ tục hành chính toàn diện, triệt để trong tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư, xây dựng, mua sắm công và thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước về phân cấp, phân quyền tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương.

Lý do vì hiện nay, khối lượng thể chế cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện rất nhiều nhưng nhân lực trực tiếp làm cho công tác thể chế còn ít, điều kiện đảm bảo và chế độ đãi ngộ chưa cao, tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đánh giá rõ tình hình, nguyên nhân và giải pháp đầu tư nguồn lực cho công tác thể chế ở cấp Trung ương, nhất là ở các bộ, ngành trung ương và các cơ quan của Quốc hội, vì đa số các thể chế của Trung ương đều do các cơ quan này nghiên cứu, tham mưu và trình cho Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có định hướng chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội trong năm 2025 tổ chức các phiên giải trình liên quan đến thủ tục hành chính và giám sát trong các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp địa phương đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi. Qua đó góp phần đồng hành cùng Chính phủ tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính nhà nước.

Đề nghị giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện cơ chế đặc thù

Thời gian qua, kể từ khi Quốc hội đồng ý thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Chí Minh thì sau đó 8 địa phương khác cùng xây dựng cơ chế và Quốc hội cũng đồng tình thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho 8 địa phương này.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu về Chương trình giám sát sáng 30/5

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu về Chương trình giám sát sáng 30/5

Đến năm 2023, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết 98 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Chí Minh. Tiếp theo, các địa phương sẽ có nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù, tại kỳ họp lần này sẽ có nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, và Nghệ An.

Điều đó thể hiện rằng chúng ta thấy rất cần có sự thay đổi, đột phá trong luật pháp hiện hành, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công.

Tôi mong rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thêm một giám sát chuyên đề liên quan đến kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để chúng ta có thể xây dựng Luật sửa đổi về quản lý tài sản công cũng như Luật sửa đổi đối với đầu tư công trong phiên họp kế tiếp.

(ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh)

Quốc hội giám sát năm 2025: Bảo vệ môi trường hay nhân lực chất lượng cao?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Bao gồm:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhieu-dia-phuong-du-an-xin-co-che-dac-thu-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-dai-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-post346278.html