Nhiều địa phương hoàn thành chi trả hỗ trợ lao động trong tháng 7
Lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã bắt đầu được nhận hỗ trợ. Nhiều địa phương dự kiến chi trả xong cho đối tượng này trong tháng 7.
Các địa phương cũng cho rằng, Quyết định số 23/QĐ-TTg đã nêu rất rõ về đối tượng được hỗ trợ và nguồn hỗ trợ, giảm nhiều điều kiện cho các đối tượng, vì thế, quá trình triển khai thuận lợi, người lao động, người sử dụng lao động sẽ được thụ hưởng nhanh và kịp thời.
Long An chi hỗ trợ người bán vé số và điều trị COVID-19 hơn 12 tỷ đồng
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Thanh Hải yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, đặc biệt nhóm lao động tự do. Các huyện, thành phố phải sớm hoàn thiện danh sách hỗ trợ và chi tiền ngay cho người dân.
"Tuyệt đối không để sót bất cứ đối tượng nào, phải chính xác, rõ ràng, minh bạch, không để chính sách bị trục lợi. Việc chi hỗ trợ phải nhanh, vì nếu hỗ trợ chậm trễ mất đi ý nghĩa của chính sách", ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh và yêu cầu các huyện, thành phố phải báo cáo hàng ngày cho Sở LĐTB&XH đến khi hoàn thành hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68.
Dự kiến, Long An sẽ hỗ trợ khoảng 42.500 người dân gặp khó khăn vì COVID-19, với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 20.000 lao động tự do bị mất việc, ngưng việc sẽ được hỗ trợ trong tháng 7. Nhóm lao động tự do sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của địa phương, không phải từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 16/7, đã có 4.627 trong tổng số 10.490 người bán vé số ở Long An được hỗ trợ, với số tiền 3,4 tỷ đồng (đạt 44%). Dự kiến, các địa phương hoàn thành chi hỗ trợ 100% cho đối tượng người bán vé số lưu động trong tuần này.
Các đối tượng lao động tự do được xác định gồm bán vé số, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bảo vệ; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô tô, xe xích lô chở khách; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe… và các công việc thuộc lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo.
Về triển khai hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng, UBND tỉnh Long An đã chi hỗ trợ 5.325 người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) với số tiền 8,9 tỷ đồng; hỗ trợ 12 trẻ em cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung với số tiền 20 triệu đồng.
Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hỗ trợ 140 tỷ đồng cho cho 40.000 người
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có quyết định về việc hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68. Theo thống kê, khoảng 40.000 người sẽ được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 140 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là những lao động không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh, bị mất việc, ngưng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cụ thể: Buôn bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; bán lẻ vé số lưu động; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc xếp, vận chuyển hàng hóa; lái xe ôm, xích lô, xe ba gác, lái xe chở khách, chở hàng thuê; tự làm hoặc làm việc cho cá nhân, làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vận tải, sản xuất không có hợp đồng lao động.
Mức hỗ trợ tháng đầu tiên là 1,5 triệu đồng/người. Trường hợp người lao động không mất việc đủ 1 tháng, hoặc không liên tục trong tháng, thì mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày. Nếu mất việc đủ 30 ngày sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng và tối đa 3,5 triệu đồng/người.
Riêng người bán vé số đã được hỗ trợ 750.000 đồng/người theo gói hỗ trợ của tỉnh thì sẽ được hỗ trợ từ ngày thứ 16 mất việc trở đi.
Thời gian lao động tự do mất việc được hưởng hỗ trợ áp dụng từ ngày 1/5-31/12/2021. Thời gian thực hiện hỗ trợ đến hết ngày 31/1/2022.
Để được hỗ trợ, người lao động cần làm đơn đề nghị hỗ trợ có xác nhận của chính quyền địa phương, hoặc nơi làm việc và nộp cho nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Sau khi nộp đơn, khoảng 10 ngày làm việc người lao động sẽ nhận được hỗ trợ.
An Giang: Rà soát xong đối tượng, hoàn thành chi trả trong tháng 7
Theo báo cáo nhanh của Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang, tính đến ngày 16/7, Sở đã xác định các đối tượng được hưởng trợ cấp và quy định mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Sở đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ đối với đối tượng bán vế số lưu động với mức chi hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người, nhận 1 lần tiền mặt (dự kiến khoảng 8.600 người), từ nguồn tài chính của Công ty Sổ xố kiến thiết. Việc triển khai tiến hành ngay từ ngày 19 đến ngày 25/7.
Đối với đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, theo thống kê ban đầu (trên cơ sở danh sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP) là 51.500 người (đã bao gồm 8.600 người bán vé số). Các địa phương lập danh sách cụ thể, hướng dẫn các đối tượng điền thông tin theo Quyết định số 23.
Đối với đối tượng là trẻ em bị cách ly, thống kê đến nay là 340 em (trong đó số đã hoàn thành cách ly là 168 em). Hiện nay, các địa phương đang rà soát số trẻ em từ Campuchia về và số trẻ em ngoài tỉnh để thực hiện việc hỗ trợ đúng quy định.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang, tổng số kinh phí hỗ trợ cho lao động tự do ước tính ban đầu là 86 tỷ đồng (trong đó người bán vé số là 12,9 tỷ đồng). Dự kiến, công tác chi trả hỗ trợ cho nhóm người bán vé số sẽ hoàn sẽ thành trước ngày 25/7.
Ninh Bình: Thẩm định hồ sơ chắc nhắn, chi trả nhanh và kịp thời
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Ninh Bình Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: "Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ triển khai gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có ý nghĩa lớn và rất sát thực". Quyết định nêu rất rõ về đối tượng được hỗ trợ và nguồn hỗ trợ cho người vay vốn, giảm nhiều điều kiện cho các đối tượng. Vì thế, quá trình triển khai thuận lợi, người lao động, người sử dụng lao động sẽ được thụ hưởng nhanh và kịp thời. Các đơn vị đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai chính sách để tiền hỗ trợ đến tay người dân nhanh nhất.
Riêng với việc hỗ trợ lao động tự do, Sở LĐTB&XH Ninh Bình đã có văn bản gửi UBND các huyện và thành phố về việc rà soát nhóm đối tượng này đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Do nhóm này không thuộc diện điều chỉnh của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Sở đã hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về đối tượng thụ hưởng, điều kiện và thời điểm hỗ trợ. Các đối tượng là lao động tự do được hỗ trợ lần này được mở rộng, số tiền hỗ trợ cũng cao hơn, như người bán hàng rong, gom rác phế liệu, bán vé số, chở xe ôm, xích lô chở khách, đến những người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe đều được chính sách hỗ trợ.
Sở LĐTB&XH Ninh Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện và có danh sách người lao động tự do bị ảnh hưởng của đại dịch gửi về Sở trước ngày 20/7, để báo cáo UBND tỉnh.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, tổ thẩm định của Sở sẽ thực hiện công minh, khách quan, xem xét từng đối tượng có trong danh sách trước khi trình UBND tỉnh ký duyệt hỗ trợ. Công tác kiểm duyệt rất chắc chắn, nhưng cũng sẽ nhanh chóng, kịp thời.