Nhiều địa phương sớm hoàn thành thu ngân sách cả năm: Mừng hay lo?

Dù nhiều địa phương trong tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm nay, nhưng mất cân đối lớn giữa các khoản thu, trong đó thu từ đất chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là biện pháp căn cơ trong thu ngân sách ở các địa phương

Thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là biện pháp căn cơ trong thu ngân sách ở các địa phương

Mới hết tháng 7 nhưng nhiều địa phương trong tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2020. Đây có phải là tín hiệu đáng mừng khi thu ngân sách còn phụ thuộc chủ yếu vào thu tiền sử dụng đất (SDĐ)?

Hoàn thành sớm

Hết tháng 7, thu ngân sách của huyện Tứ Kỳ đã đạt gần 242 tỷ đồng, vượt 82% dự toán năm, tăng tới 125% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn đều tăng, trong đó thu từ lệ phí trước bạ tăng 6%, thuế thu nhập cá nhân tăng 7%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 14%, tiền SDĐ tăng 273%, thu khác ngân sách tăng 129%.

Thu ngân sách 7 tháng của huyện Bình Giang đã đạt 374 tỷ đồng, vượt 9% dự toán năm. Trong đó, riêng thu từ tiền SDĐ đạt 312,8 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng thu ngân sách của huyện. Một số khoản thu khác cũng đạt khá so với dự toán như thu ngoài quốc doanh đạt 59%; phí, lệ phí 63%; lệ phí trước bạ 63,4% và thuế thu nhập cá nhân đạt 87,6%.

Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã vượt dự toán thu ngân sách năm 2020, tăng cao so với cùng kỳ năm trước như TP Chí Linh gần 584 tỷ đồng, vượt 10,5% dự toán, tăng 39,7%; huyện Nam Sách 452,5 tỷ đồng, vượt 190,7% dự toán, tăng tới 77,6%; huyện Kim Thành đạt 250 tỷ đồng, vượt 26,3% dự toán, tăng 134%... Một số địa phương khác tuy chưa hoàn thành dự toán thu cả năm nhưng số thu cũng đạt khá như Thanh Miện (đạt 76%), Thanh Hà (đạt 87,4%), Gia Lộc (đạt 80%), Cẩm Giàng (đạt 77,3%)...

Thu ngân sách cấp huyện đạt khá đã tạo động lực để các địa phương hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, giảm áp lực cho ngân sách tỉnh. Một tín hiệu tích cực ở những địa phương đã hoàn thành thu ngân sách cả năm là các khoản thực thu đều đạt kết quả khá cao so với dự toán được giao. Trong đó, thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh của các huyện đều đạt trên 70% như TP Chí Linh đạt 72%, Nam Sách đạt 73,2%; có huyện vượt dự toán như Tứ Kỳ vượt 11%. Đối với những địa phương chưa hoàn thành thu cả năm, thu ngoài quốc doanh cũng đạt khá như Thanh Miện đạt 82%, Thanh Hà 66%, Gia Lộc 70%...

Vẫn phụ thuộc vào đất

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, thu ngân sách cấp huyện vẫn đạt khá chứng tỏ sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của chính quyền và cơ quan chuyên môn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Tuy nhiên, thu ngân sách cấp huyện những tháng đầu năm vẫn thể hiện sự mất cân đối lớn. Trong tổng thu ngân sách của các địa phương, khoản thu từ đất vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong khi các khoản thu khác đều giảm so với cùng kỳ năm trước thì thu từ đất lại tăng rất cao. Hết tháng 7, thu tiền SDĐ của huyện Bình Giang đã vượt 25,1% dự toán năm, chiếm tới 84% tổng thu ngân sách của huyện. Tại huyện Tứ Kỳ, thu tiền SDĐ cũng đạt 173,4 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng thu ngân sách, vượt 189% dự toán, tăng gấp gần 3lần so với cùng kỳ 2019. Thu tiền SDĐ của huyện Nam Sách cũng đạt tới 393 tỷ đồng trong tổng số 452 tỷ đồng tổng thu ngân sách. So với cùng kỳ năm 2019, thu tiền SDĐ của huyện Nam Sách tăng gần gấp đôi, vượt 4 lần so với dự toán năm 2020.

Có thể thấy thu ngân sách của các địa phương vẫn phụ thuộc rất lớn vào thu tiền SDĐ. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nay. Nếu như thuế thực thu rất khó tăng trưởng thì thu từ tiền đất luôn tăng theo từng năm. Trong ngắn hạn, thu tiền SDĐ tăng cao giúp các địa phương có kinh phí tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, quỹ đất cho quy hoạch xây dựng các khu đô thị, dân cư mới ở các địa phương đang cạn kiệt dần. Nếu chỉ trông chờ vào tiền bán đất mà bỏ qua các biện pháp căn cơ trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ không phải là giải pháp bền vững cho thu ngân sách địa phương.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/nhieu-dia-phuong-som-hoan-thanh-thu-ngan-sach-ca-nam-mung-hay-lo-143937