Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (Quân khu 4): Sáng tạo, 'mềm hóa' để hóa giải khô, khó
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị ở các đơn vị quân đội, tuy nhiên một số cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cho rằng, đây là nội dung khô khan, khó thực hiện hiệu quả. Thế nhưng, tại Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4), bằng cách làm sáng tạo, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được 'mềm hóa', trở nên không còn khô, khó...
“Mưa dầm thấm lâu...”, đó là phương cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trung đoàn 3, được Thượng tá Ngô Trí Xuân, Chính ủy Trung đoàn “bật mí” cho chúng tôi. Theo Thượng tá Ngô Trí Xuân, do đặc điểm chiến sĩ của trung đoàn trình độ văn hóa không đồng đều, vì thế công tác giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật nói riêng phải tiến hành thường xuyên, liên tục và đa dạng để các văn bản quy phạm pháp luật “ngấm” vào từng chiến sĩ.
Thực tế đến các đơn vị của Trung đoàn 3, ở đại đội nào chúng tôi cũng thấy tủ sách pháp luật với nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, các tờ rơi giới thiệu nội dung văn bản quy phạm pháp luật, mà các chiến sĩ cần biết, do cơ quan chính trị của Trung đoàn biên soạn. Một số luật có liên quan trực tiếp đến đời sống cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng... được đặt ở vị trí trang trọng, dễ thấy, dễ lấy trong tủ sách.
Ở Trung đoàn 3 tất cả cán bộ, chiến sĩ đều có sổ giáo dục pháp luật. Mỗi tuần, mỗi cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đều chép một điều luật trong cuốn sổ này và phải nhớ nội dung và điều luật được học trong tuần được ghi trên bảng tin của đại đội để mọi cán bộ, chiến sĩ đều có thể đọc. Bên cạnh đó, thời gian qua Trung đoàn 3 đã duy trì hiệu quả mô hình giáo dục pháp luật “Mỗi ngày một câu hỏi về pháp luật, mỗi tuần một điều luật”. Theo đó, hằng ngày vào lúc 18 giờ 30 phút, Ban biên tập chương trình, mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi về pháp luật, mỗi tuần một điều luật” đưa ra một câu hỏi pháp luật theo hình thức trắc nghiệm trên hệ thống truyền thanh nội bộ; bộ đội nghiên cứu, trao đổi qua buổi sinh hoạt, từ tổ 3 người đến tiểu đội, trung đội, sau đó báo cáo đáp án mình lựa chọn với trung đội trưởng; trung đội trưởng tổng hợp, báo cáo chỉ huy đại đội; chỉ huy đại đội tổng hợp, báo cáo chỉ huy tiểu đoàn; đầu mối các đơn vị báo cáo về Ban biên tập vào lúc 21 giờ cùng ngày.
Ban biên tập nghiên cứu, lựa chọn và thông báo kết quả trả lời câu hỏi trước cũng như đáp án đúng vào 18 giờ 30 phút ngày hôm sau; đồng thời đưa ra câu hỏi mới cho bộ đội tiếp tục nghiên cứu. Để mô hình hoạt động có hiệu quả, Trung đoàn thành lập Ban biên tập, có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm; đề ra chương trình hoạt động cụ thể đến từng ngày; xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi; biên tập, tổ chức phát thanh, theo dõi, tổng hợp kết quả của các cơ quan, đơn vị.
Thiếu tá Trần Thế Cường, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 3 chia sẻ: “Mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” là hình thức giáo dục để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao kiến thức về pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội có điều kiện ngấm dần vào mỗi cán bộ, chiến sĩ theo cách “mưa dầm thấm lâu”, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của đơn vị, tình hình chấp hành kỷ luật của bộ đội toàn Trung đoàn có sự chuyển biến tích cực, vững chắc, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường còn 0,25%”.
Giờ giải lao trên thao trường huấn luyện của Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, bên cạnh các hoạt động cổ động thao trường, các trung đội còn tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bộ đội. Tại khu vực giải lao của Trung đội 2, chiến sĩ được nghe Thượng úy Bùi Văn Ninh, Trung đội trưởng Trung đội 2 kể lại câu chuyện pháp luật. Ở phần cuối câu chuyện, không chỉ định hướng cho bộ đội về những hành vi vi phạm pháp luật mà Thượng úy Bùi Văn Ninh còn dẫn chứng việc vi phạm pháp luật của nhân vật trong câu chuyện nằm trong điều mấy, khoản mấy Bộ luật Hình sự…
Binh nhì Nguyễn Anh Tuấn, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 bộc bạch: “Bình thường để nắm chắc một điều luật phải qua quá trình học tập nhưng thông qua những câu chuyện kể như thế này chúng tôi có thể nắm chắc ngay việc phạm tội này thuộc điều mấy, luật gì… Cũng nhờ thường xuyên được tìm hiểu, giáo dục pháp luật đã giúp chúng tôi có thêm kiến thức pháp luật, là hành trang để tôi hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn…”.
Để công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bộ đội mang lại hiệu quả cao, Trung đoàn 3 còn tổ chức tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu về pháp luật. Trong các buổi tọa đàm, giao lưu còn có thêm đại diện của gia đình quân nhân và chi đoàn địa phương kết nghĩa. Qua mỗi cuộc giao lưu, tình cảm cán-binh, tình đồng chí, đồng đội thêm gắn bó, lan tỏa, tạo động lực để mỗi người thêm gắn bó với đơn vị, thật sự coi "đơn vị là nhà, đồng đội là anh em", nhắc nhở mọi người cùng nhau chấp hành pháp luật, điều lệnh quân đội và quy định của đơn vị. Ngoài ra, định kỳ hằng quý, Trung đoàn còn phối hợp với cơ quan Công an trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bộ đội. Nội dung tập trung vào các nghị định, bộ luật mới sửa đổi…
Nhờ đổi mới, đa dạng và kiên trì tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm gần đây, Trung đoàn 3 có sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành pháp luật, kỷ luật, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.