Nhiều địa phương tại Thanh Hóa sơ tán dân ra khỏi vùng thiếu an toàn

Nhằm ứng phó với bão số 3, thực hiện Công điện số 08/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, chủ động triển khai ngay phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nhất là ở cửa sông, ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các nhà yếu không đảm bảo an toàn; nhiều địa phương đã tiến hành sơ tán người dân ra khỏi vùng thiếu an toàn.

Theo đó, sáng ngày 21/7, đồng chí Trịnh Xuân Thắng – Chủ tịch UBND xã Tây Đô đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, đánh giá mức độ sạt lở tại khu vực núi Voi, thôn Tân Lập và chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

 Xã Tây Đô đã tiến hành sơ tán 17 nhân khẩu cùng tài sản đến nơi an toàn.

Xã Tây Đô đã tiến hành sơ tán 17 nhân khẩu cùng tài sản đến nơi an toàn.

Trước đó, năm 2024, tại khu vực này xuất hiện hai vết nứt, vệt sạt lở, ảnh hưởng đến 3 hộ dân với 17 nhân khẩu. Để đảm bảo an toàn về tài sản và con người, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã, trong chiều cùng ngày, lực lượng chức năng gồm: Ban Chỉ huy Quân sự xã, Công an xã, lực lượng dân quân, cùng các hộ dân đã khẩn trương tổ chức di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Tại xã miền núi Tam Chung, ngay trong chiều ngày 21/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự xã đã chỉ đạo, tổ chức sơ tán cho 15 hộ dân với 94 nhân khẩu đến nơi an toàn như: Các điểm Trường học, nhà văn hóa, nhà người thân. Trong đó sơ tán 3 hộ với 18 nhân khẩu ở bản Phái; 12 hộ với 76 nhân khẩu ở bản Suối Lóng. Ban chỉ huy PCTT TKCN&PTDS xã tổ chứcmua các nhu yếu phẩm cần thiết như: Mỳ tôm, Gạo, nước sạch… để hỗ trợ các hộ sơ tán.

 Bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tam Chung đang di dời tới khu vực trường học để ở tạm tránh bão.

Bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tam Chung đang di dời tới khu vực trường học để ở tạm tránh bão.

Theo bà Lương Thị Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, hiện địa phương đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản của nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông…

UBND xã Tam Chung cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát các kho vật tư dự trữ (tại kho Trụ sở UBND xã) để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, đồng thời mua bổ sung, thay thế các trang bị vật tư đã hỏng như cọc tre, bao tải, các loại khử trùng, vôi bột…

Tương tự tại xã biên giới Na Mèo, lực lượng chức năng đã phối hợp tiến hành dựng 3 chiếc lán tạm bằng luồng, lợp bạt tại khu đất bằng phẳng, sẵn sàng phương án sơ tán 14 hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao thuộc bản Cha Khót.

 Lực lượng chức năng xã biên giới Na Mèo đã phối hợp tiến hành dựng 3 chiếc lán tạm bằng luồng, lợp bạt

Lực lượng chức năng xã biên giới Na Mèo đã phối hợp tiến hành dựng 3 chiếc lán tạm bằng luồng, lợp bạt

Bản Cha Khót có 55 hộ dân với 225 nhân khẩu đều là người dân tộc Thái. Trong đó, có 14 hộ sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; 34 hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở.

Những chiếc lán tạm được dựng ở khu đất an toàn, bằng phẳng.

Những chiếc lán tạm được dựng ở khu đất an toàn, bằng phẳng.

Tháng 9/ 2024, do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực đồi, núi phía sau 14 hộ dân nêu trên đã xảy ra sạt lở làm rạn nứt, ảnh hưởng đến nhà dân và điểm trường học, nhà văn hóa của bản Cha Khót. Vị trí này cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở...

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nhieu-dia-phuong-tai-thanh-hoa-so-tan-dan-ra-khoi-vung-thieu-an-toan-181286.html