Nhiều dịch bệnh lây lan từ động vật hoang dã sang người
Không sử dụng thịt thú rừng là cách tốt nhất để ngăn chặn con đường lây lan của nhiều loại virus từ động vật hoang dã sang người, cũng là ngăn chặn đại dịch.
Sáng ngày 28/10, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với các tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) chủ trì Hội thảo truyền thông với chủ đề "Vai trò của các tổ chức Phi chính phủ (NGO) trong nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ lây truyền bệnh dịch từ động vật sang người".
Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ 90 cơ quan trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức NGO đã tham gia thảo luận về vai trò của NGO trong truyền thông giảm tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) và các hoạt động, chiến dịch truyền thông của tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF Việt Nam cho biết buôn bán động vật hoang dã ước tính mang lại số tiền hàng năm tới 20 tỷ USD trên toàn cầu. Việt Nam, Campuchia là quốc gia cho thấy mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng.
Nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua.
Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.
"Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng", ông Tín nói.
"Hiện nay, các đợt bùng phát dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lay truyền từ động vật", bà Nguyễn Đào Ngọc Vân nhấn mạnh.
Phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi của họ trong chiến dịch này là rất cần thiết để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo.
Theo bà Vân, mặc dù chúng ta có thể không xác định được chính xác nơi mà đại dịch mới sẽ bùng phát, nhưng chúng ta xác định được các hành vi như ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trên 70% các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện ở người có nguồn gốc từ động vật, hai phần ba trong số đó từ động vật hoang dã.
Tuy nhiên, động vật hoang dã không có lỗi, cũng không phải tác nhân làm lây lan, phát tán dịch bệnh mà con người mới chính là nguyên nhân khi đã can thiệp, thay đổi, tác động thô bạo vào môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã. Các hoạt động của con người như săn bắt, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi, giết mổ và tiêu thụ động vật hoang dã tạo điều kiện làm phát sinh, khuếch đại, lây truyền các tác nhân, bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm từ động vật sang người.
Trong đó, cầy, tê tê, khỉ, nhím, lợn rừng, nai và dúi là các loài hoang dã có nguy cơ cao gây bệnh truyền nhiễm và lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người (WCS, 2020) chính là những đối tượng bị săn bắt, buôn bán, nuôi lấy thịt nhiều nhất để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam.