Nhiều điểm khó hiểu trong vụ xe Mazda3 bị đánh cắp rồi 'chồng xác' lên xe khác
Chiếc Mazda3 sau khi được 'chồng xác' bằng số khung số máy của xe khác vẫn được đăng ký lại rồi 'vượt' cửa đăng kiểm một cách dễ dàng trước khi mua bán qua tay 5-6 đời chủ.
Như phản ánh của VietNamNet trong bài viết "Hành trình mòn mỏi 2 năm đi hàng trăm bãi xe tìm chiếc Mazda3 bị mất cắp", sau thời gian thất lạc gần 4 năm với lắm bi hài, cuối cùng chiếc Mazda3 màu đỏ cũng được trả về với đúng chủ nhân của nó - anh Lê Minh Hoàng.
Tuy vậy, lý lịch phức tạp cùng nhiều điểm vướng mắc khiến chiếc Mazda3 nói trên vẫn chưa được Đội Đăng ký và quản lý phương tiện (thuộc Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) tiếp nhận hồ sơ và giải quyết đăng ký lại, dù trước đó, chính đơn vị này đã cấp biển số 30G-027.73 cùng giấy tờ cho chiếc xe này.
Xe "chồng xác" vẫn được đăng ký
Theo tìm hiểu từ cơ quan điều tra, chiếc Mazda3 của anh Lê Minh Hoàng sau khi thất lạc đã bị các đối tượng cắt số khung số máy nguyên thủy và hàn thay thế số khung số máy của một chiếc Mazda3 khác rồi đi đăng ký lại. Chiêu trò này trong giới thạo xe gọi là "chồng xác".
Sau khi bị "phù phép", chiếc Mazda3 của anh Hoàng không còn mang BKS 30E-401.45 nữa mà "thay tên đổi họ" thành 30G.027.73 vào ngày 31/10/2019 với người đứng tên là Phạm Hồng Việt (SN 1965, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Chiếc xe này trước đó có được ông Việt nhờ Lê Đình Long (SN 1990, trú tại huyện Chương Mỹ - đã mất) mua và làm thủ tục liên quan, ông Việt chỉ nhận giấy tờ từ Long.
Sau đó, ông Việt bán xe cho anh Nguyễn Duy Cường (SN 1981, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội), nhưng anh Cường nhờ anh Nguyễn Trọng Yên (SN 1981, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đứng tên đăng ký. Chiếc xe tiếp tục được bán cho anh Võ Xuân Đạo (SN 1982, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Sau đó, anh Đạo bán lại cho anh Nguyễn Anh Hùng (SN 1976, trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Anh Hùng là người sử dụng cuối cùng trước khi bị chủ thực sự của chiếc xe là anh Lê Mình Hoàng phát hiện khi đang đi trên đường vào ngày 12/2/2021 (đúng mùng 1 Tết Tân Sửu).
Trong lý lịch khá phức tạp của chiếc xe Mazda3 đã được "chồng xác" này, có ít nhất 2 điểm chưa rõ mà những độc giả theo dõi vụ việc chỉ ra:
Thứ nhất, thời điểm ngày 31/10/2019, tức là khoảng 3 tháng sau khi anh Lê Minh Hoàng bị đối tượng Oanh lừa lấy mất ô tô, dù số khung số máy đã được cắt hàn và thay mới nhưng chiếc xe này vẫn được cơ quan chức năng cấp đăng ký lại và cấp biển số mới là 30G.027.73.
Trong khi đó, quy định tại khoản 1, Điều 18 Thông tư 58/2020/TT-BCA và các Thông tư trước đó đều nêu rõ "xe bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung thì không giải quyết đăng ký". Vậy, việc cấp Giấy đăng ký cho chiếc xe đã bị cắt, hàn số khung số máy có đúng quy định?
Thứ hai, số khung số máy này được xác định là do các đối tượng lấy của một chiếc Mazda3 khác đời 2016 từng bị tai nạn nặng từ năm 2018, cũng mang biển số Hà Nội (30E-639.66).
Chủ xe đứng tên trong giấy tờ thời điểm đó là anh Nguyễn Trường Giang (SN 1986, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội). Còn đứng tên sau đó là ông Phạm Hồng Việt (SN 1965, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Vậy tại sao khi chuyển nhượng xe trong thành phố, ông Việt vẫn phải làm thủ tục đổi biển số (từ 30E sang 30G)?
Nhiều người đặt dấu hỏi, phải chăng việc hàn đục số khung số máy rồi "tẩy biển" được các đối tượng thực hiện một cách có tổ chức với rất nhiều mắt xích, nhằm tiêu thụ trót lọt những xe có nguồn gốc bất minh (trộm cắp, lừa đảo,...)?
...và qua được cửa đăng kiểm
Ngoài việc chiếc xe được đăng ký lại và chuyển nhượng rất nhiều lần một cách khá bất thường thì sau khi "thay đổi danh phận", chiếc Mazda3 nói trên đã làm thế nào để qua cửa đăng kiểm cũng là câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm.
Theo hồ sơ Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp cho PV VietNamNet, chiếc Mazda3 màu đỏ nói trên sau khi đổi sang BKS 30G-027.73 mang tên Phạm Hồng Việt đã được kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03S vào ngày 05/11/2019 với số tem kiểm định là KD-049829, thời hạn đăng kiểm là 18 tháng.
Số liệu này hoàn toàn trùng khớp với tem đăng kiểm vẫn đang được dán trên kính xe của anh Hoàng, đã hết hạn vào ngày 4/5/2021.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, kiểm tra số khung số máy là khâu bắt buộc thuộc bước thứ nhất (kiểm tra hồ sơ, dữ liệu) trong quy trình 5 bước kiểm định xe cơ giới theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, đăng kiểm viên sẽ quan sát số khung số máy bằng mắt và đối chiếu xem có đúng với giấy đăng ký xe hay không.
Về trường hợp cụ thể như chiếc Mazda3 đã bị hàn cắt số khung số máy vẫn qua được đăng kiểm, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, số khung số máy được hàn nguyên tấm thép với các dãy ký tự vẫn đúng số theo đăng ký xe. Việc xe bị hàn, cắt số khung số máy như chiếc Mazda3 nói trên là rất tinh vi và cực kỳ hy hữu.
"Các đối tượng sẽ ngụy trang thêm bằng sơn phủ để khó phát hiện ra vết hàn. Với phương tiện mới đăng kiểm lần thứ 2 như chiếc Mazda3, thông thường tình trạng vẫn còn rất tốt, do vậy có thể có sự chủ quan nhất định trong việc quan sát khung và máy của đăng kiểm viên", vị này chia sẻ.
Tuy vậy, đại diện Cục Đăng kiểm vẫn khẳng định, nếu đăng kiểm viên phát hiện ra xe đã bị đục, hàn hay có bất cứ tác động gì làm sai lệch số khung số máy, hồ sơ đăng kiểm sẽ bị trả lại và các trung tâm sẽ từ chối kiểm định đối với những chiếc xe đó.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc)
Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!