Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp lần này được cho là có nhiều điểm mới tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp của khối các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có vốn nhà nước và các cơ quan của Ngân hàng nhà nước đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu.

Dự thảo luật lần này được cho là có nhiều điểm mới tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.

Theo đó, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác lập nguyên tắc, Nhà nước được xác định là nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp mà thực hiện thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp để đảm bảo các quyền của nhà đầu tư vốn, góp vốn vào doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Thành viên thường trực Ban soạn thảo, Tổ trưởng tổ biên tập dự thảo Luật, Ngân hàng Nhà nước là một trong những chủ sở hữu với nguồn lực rất lớn khi các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước do cơ quan này làm đại diện, hiện có nhiều đóng góp, tác động lớn đến nền kinh tế. Các doanh nghiệp thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước đang là chủ sở hữu cũng có tính chất chuyên môn khá đặc thù.

Ông Bùi Tuấn Minh cho biết, nội hàm xuyên suốt gồm 4 nhóm nội dung lớn được đưa ra tại dự thảo Luật xin ý kiến gồm nhân sự; chiến lược, kế hoạch, phương án cơ cấu vốn; chủ trương đầu tư vốn; lợi nhuận của chủ sở hữu.

Theo ông Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước được giao làm đại diện chủ sở hữu tại 12 doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Trong 12 đơn vị có 8 tổ chức tín dụng, 1 tổ chức tài chính, 3 doanh nghiệp.

Tổng quy mô vốn điều lệ của 12 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước quản lý là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (tính đến cuối năm 2023), tổng vốn chủ sở hữu là 470 nghìn tỷ đồng, tổng quy mô tài sản hơn 8,5 triệu tỷ đồng. Với quy mô rất lớn, 12 doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội.

Thời gian qua trên cơ sở áp dụng Luật số 69/2014/QH13 và các nghị định có liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy chế quản lý người đại diện và cũng nhiều lần sửa đổi, bổ sung quy chế này. Sau 10 năm triển khai Luật số 69/2014/QH13, hàng năm Ngân hàng Nhà nước đều được kiểm toán nhà nước kiểm toán thường niên, đối với quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được kiểm toán nhà nước ghi nhận đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đúng, đủ quyền chủ sở hữu.

Hiện Bộ Tài chính đã giới thiệu tới một phiên bản mới là dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật 69/2014/QH13. Quan điểm của Bộ Tài chính đã rất rõ trong tờ trình là Nhà nước với tư cách là một nhà đầu tư. Tại phiên bản dự thảo luật này hoàn toàn mới so với Luật 69/2014/QH13, do đó có rất nhiều nội dung cần góp ý, quan tâm tới dự thảo Luật này.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã trực tiếp góp ý vào các nội dung tại dự thảo Luật như về đối tượng áp dụng vấn đề quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; trích lập Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế; phạm vi đầu tư vốn nhà nước; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn… qua đó góp phần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Luật.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-diem-moi-trong-du-thao-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep/343122.html