Nhiều điểm mới trong năm học 2022 – 2023 của ngành giáo dục TP.HCM
TP.HCM đã tổ chức lễ khai giảng đồng loạt vào ngày 5/9 với gần 1,7 triệu học sinh ở các cấp học tại TP.HCM trong năm học 2022 – 2023 này, tăng khoảng 21.900 học sinh so với năm ngoái…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trong năm học 2022 - 2023, toàn ngành giáo dục TP.HCM sẽ chủ động, tích cực chuyển sang trạng thái bình thường mới với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động, sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục”.
Trong số tăng hơn 21.900 học sinh nói trên, bậc học mầm non tăng gần 6.600 cháu; bậc trung học cơ sở tăng 13.660 học sinh; bậc trung học phổ thông tăng 12.760 học sinh; riêng bậc tiểu học giảm 11.000 học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, để thực hiện theo phương châm nói trên, ngành giáo dục đã đề ra các nhiệm vụ, gồm: Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, nhà ở; tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường trên địa bàn Thành phố…
Năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục đề ra 9 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó ưu tiên các giải pháp: Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, thực hiện chuyển đổi số giáo dục; củng cố nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, tăng trường chuẩn quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Đối với các cấp học, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 3, 7 và 10; tham mưu lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030. Song song, triển khai tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đạo tạo. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết ngành giáo dục Thành phố tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn Thành phố cũng như tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đồng thời, Thành phố tiếp tục củng cố, duy trì hợp tác quốc tế với các tổ chức ngoại giao, tổ chức, đơn vị giáo dục quốc tế có uy tín, phát huy tối đa năng lực của ngành giáo dục.
Năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục TP.HCM chịu áp lực gia tăng dân số rất cao; cụ thể như trên đã nói, năm học mới này toàn thành phố tăng trên 21.000 học sinh các cấp học (riêng bậc tiểu học giảm). Nhiều khu vực có mật độ dân số cao, nhất là các quận nội thành, các quận vùng ven có tỷ lệ dân nhập cư đông (Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12, Bình Tân…), vì thế mặc dù cơ sở trường lớp cơ bản là đủ nhưng sĩ số lớp tăng hơn mọi năm và có trường chưa tổ chức dạy và học hai buổi đủ 100%. Trong các quận có áp lực tăng dân số đông, quận Bình Tân có sĩ số học sinh tăng nhiều nhất, với tăng trên 9.000 học sinh trong năm học mới này.
Năm học 2022 – 2023, TP.HCM hoàn thành và đưa vào sử dụng 575 phòng học mới, gồm mầm non 210 phòng, tiểu học 218 phòng và trung học cơ sở 147 phòng. Toàn Thành phố hiện có tổng cộng 2.353 trường, bao gồm: Mầm non 1.346 trường, tiểu học 500 trường, bậc trung học có 490 trường với 286 trường trung học cơ sở (278 công lập, 8 tư thục) và 204 trường trung học phổ thông (113 công lập, 91 tư thục), các trung tâm giáo dục thường xuyên…