Nhiều điểm sáng trong xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Lào Cai
Tỉnh Lào Cai đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đến hết tháng 6/2025 sẽ xóa xong toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát, vượt 6 tháng so với mốc thời gian Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Dù gặp không ít khó khăn, song, huyện Si Ma Cai là địa phương đầu tiên của Lào Cai cán đích mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát với 628/628 nhà, trong đó có 492 nhà thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 133 nhà của hộ nghèo, cận nghèo khác nằm ngoài Chương trình và 3 hộ người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Nguyễn Trung Kiên cho biết, quá trình thi công gặp không ít thách thức liên quan đến phong tục, tập quán, quỹ đất, nhân công... Để khắc phục khó khăn, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung rà soát đảm bảo đúng đối tượng, triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhất là việc sắp xếp, ổn định dân cư, hỗ trợ làm nhà cho các gia đình bị thiệt hại do mưa bão, đảm bảo ổn định cuộc sống nhân dân.
Ban Chỉ đạo đã thành lập các tổ công tác, tuyên truyền đến từng nhà vận động người dân chung tay góp sức, tiền của cùng nhà nước sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để xóa nhà tạm và làm nhà cho các gia đình bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3. Kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và tổ chức, đoàn thể tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa và cộng đồng chung tay góp sức hoàn thành mục tiêu.
Nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm, gia đình anh Vừ A Sì (xã Sán Chải) có thêm động lực, quyết tâm làm căn nhà mới khang trang và yên tâm tập trung phát triển kinh tế. Ngoài được nhà nước hỗ trợ, gia đình anh còn được người dân giúp san mặt bằng, lợp nhà... để nhanh chóng có nơi ở mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ngoài Si Ma Cai, các huyện Bắc Hà, Bảo Thắng và thị xã Sa Pa là 3 địa phương có tỷ lệ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt kết quả cao nhất. Trong đó, thị xã Sa Pa có 365/367 nhà (đạt 99%), huyện Bắc Hà thực hiện được 1.144/1.202 nhà (đạt 95%), huyện Bảo Thắng là 141/147 nhà (đạt 95,9%).
Trong đó, Tả Phìn là điểm sáng của thị xã Sa Pa khi là địa phương cấp xã đầu tiên hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Với quyết tâm cao, chỉ sau hơn 20 ngày (từ ngày 25/10 đến ngày 18/11/2024), đã hoàn thành 10/10 nhà, giúp các hộ dân có chỗ ở ổn định, khang trang.
Trong thời gian khởi công, Ban Thường vụ Đảng ủy xã phụ trách và đôn đốc các công trình. Cùng với đó, xã chia các tổ thợ theo chuyên môn; phân công cán bộ phụ trách từng gia đình để tuyên truyền, vận động; thường xuyên nắm tiến độ thực hiện để chủ động tháo gỡ khó khăn… Ngoài ra, theo tinh thần chỉ đạo của UBND thị xã là “ngày làm việc thứ Bảy, hướng về cộng đồng”, địa phương tập trung các lực lượng như: Đoàn Thanh niên, dân quân, Công an, lực lượng hỗ trợ bảo vệ an ninh tại cơ sở, phụ nữ… giúp người dân làm nhà, không kể ngày nghỉ.
Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, thị xã theo quy định, Tả Phìn cũng huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” đã tạo thành phong trào. Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã đã hưởng ứng tích cực với tổng số tiền hỗ trợ là 160 triệu đồng cùng 1.070m2 gạch lát nền, 150 viên ngói…
"Kết quả trên có ý nghĩa to lớn, khẳng định ý chí, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và lòng nhân ái của cộng đồng, vì mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, đây cũng là nguồn lực quan trọng giúp xã xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát để hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống lâu dài", ông Thào A Tung, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn khẳng định.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo
Theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Lào Cai, địa phương có 11.024 hộ người có công với các mạng, thân nhân liệt sỹ; hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở. Trong đó, xây mới 7.743 nhà; cải tạo, sửa chữa 3.281 nhà. Đề án đặt ra mục tiêu năm 2024, tỉnh thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho khoảng 7.719 hộ; số còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Đến ngày 20/12/2024, tổng số nhà đã triển khai xây mới, sửa chữa ở các huyện, thị xã, thành phố Lào Cai là 5.537/7.719 nhà. Trong đó có 4.030 nhà đã xây dựng hoàn thành.
Các địa phương còn lại của Lào Cai đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực tăng tốc để về đích theo đúng tiến độ tỉnh giao đến hết tháng 6/2025 phải xóa xong toàn bộ. Đến ngày 20/12/2024, thành phố Lào Cai đã xây mới và sửa chữa được 67/95 nhà (đạt 70,5%), huyện Bát Xát xây mới và sửa chữa cho 1.276/1.880 nhà (đạt 67,8%), huyện Mường Khương thực hiện được 1.442/2.359 nhà (đạt 61%), huyện Văn Bàn thực hiện được 378/816 nhà (đạt 46,3%), huyện Bảo Yên là 96/225 nhà (đạt 42,6%).
Tỉnh ủy Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3 trên địa bàn. Ban Chỉ đạo tỉnh gồm 34 thành viên do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng của bão số 3, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh về đích xóa nhà tạm, nhà dột nát vào giữa năm 2025. Để đạt tiến độ, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Ban Chỉ đạo các địa phương cần nâng cao hiệu quả hoạt động. Ban Chỉ đạo các sát sao, quyết liệt chỉ đạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Với các hộ không có vốn đối ứng, ngành, địa phương cần nghiên cứu mẫu thiết kế riêng, tiếp tục vận động nhân dân hỗ trợ nhau làm nhà. Làm xong nhà đến đâu, các địa phương rà soát cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất đến đó. Đồng thời tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa ủng hộ việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương.