Nhiều DN bất động sản trả được hết nợ trái phiếu
Khi mua lại trái phiếu của mình, doanh nghiệp bất động sản sẽ cải thiện tình hình tài chính và tạo tác động tích cực cho giá cổ phiếu.
Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã có kết quả kinh doanh khởi sắc, giúp hoàn tất các khoản nợ trái phiếu trong năm 2023. Việc trả nợ đầy đủ sẽ giúp các DN tăng uy tín và có cơ hội huy động nguồn vốn với lãi suất thấp hơn trong tương lai.
Sạch nợ trái phiếu, doanh nghiệp nhẹ nhõm
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 276.480 tỉ đồng. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm BĐS với gần 113.201 tỉ đồng.
Đáng mừng, nhiều DN BĐS vẫn đang kinh doanh tốt và có dòng tiền để hoàn tất các khoản nợ. Hàng loạt DN đã hoàn tất trả nợ trái phiếu DN bằng việc mua trước hạn.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có 35 DN BĐS đã hoàn tất dứt nợ vay trái phiếu nhờ tích cực mua trước hạn với tổng giá trị hơn 20.000 tỉ đồng.
Đơn cử như Công ty Phát Đạt mới đây đã thông báo chi hơn 400 tỉ đồng để hoàn tất trả nợ hết các lô trái phiếu DN trước hạn. Theo ông Bùi Quang Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Phát Đạt, dù gặp nhiều thách thức trong năm 2023 nhưng công ty đã nỗ lực mua lại trái phiếu DN đúng hạn như cam kết với trái chủ. Công ty đã chi ra hơn 1.500 tỉ đồng để tất toán hết các lô trái phiếu trong năm 2023.
Kinh doanh khả quan với doanh thu gần 1.000 tỉ đồng chỉ trong ba quý, Công ty BĐS C.E.O cũng đã chủ động giảm hết gánh nợ trái phiếu với tổng giá trị 220 tỉ đồng. Theo HNX, những cái tên như Điền Phát Land, Hoa Kim Anh, Vinh An Điền cũng đã chi hàng trăm tỉ đồng để mua lại trái phiếu DN trước hạn nhằm tất toán các khoản vay trái phiếu. Thậm chí, Công ty Địa ốc Sacom dù báo lỗ nhưng cũng thực hiện trách nhiệm trả hết khoản nợ trái phiếu DN là gần 240 tỉ đồng của mình.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá những nỗ lực tất toán hết khoản nợ trái phiếu DN của các công ty BĐS trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn là điểm sáng cho thị trường trái phiếu lúc này. Điều đó cho thấy DN thể hiện tính trách nhiệm, cam kết thực thi nghĩa vụ cho nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thực thi nghĩa vụ nợ đúng hạn sẽ đem lại uy tín cho công ty và dễ dàng thực hiện các đợt phát hành vốn sau này.
Theo các chuyên gia, khi lãi suất đang xuống thấp, việc hoàn tất nợ sớm cũng giúp giảm khoản chi trả lãi cao trong thời hạn còn lại của trái phiếu DN, cải thiện xếp hạng tín dụng, giành được niềm tin của cổ đông và giảm chi phí đi vay trong tương lai.
Cơ hội phục hồi của thị trường
Bước sang năm 2024, với nhiều cơ chế và nền tảng hỗ trợ, DN BĐS có cơ hội để phục hồi, qua đó tiếp tục có dòng tiền để trả nợ trái phiếu DN.
Ông Hải đánh giá trong năm nay có nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường như mặt bằng lãi suất giảm sẽ hướng dòng tiền vào đầu tư BĐS; nhiều giải pháp tích cực tháo gỡ thị trường của Chính phủ sẽ tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng của thị trường này. Ngoài ra, các luật liên quan đến thị trường BĐS đã và sẽ được sửa đổi giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tạo ra một thể chế đồng bộ trong việc làm lành mạnh hóa thị trường BĐS.
Các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã và sẽ được sửa đổi giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tạo ra một thể chế đồng bộ trong việc làm lành mạnh hóa thị trường.
“Trong năm 2023, chúng ta cũng chứng kiến vị thế ngoại giao của Việt Nam đang lên. Điều này tạo một nền tảng quan trọng để thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS” - ông Hải nhận định.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thị trường BĐS hiện gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề của nền kinh tế như xây dựng, nội thất, tài chính… Khó khăn của ngành BĐS vẫn xoay quanh các vấn đề pháp lý là chủ yếu. Để tháo gỡ các khó khăn này cần có sự đồng bộ từ nhiều phía.
Chẳng hạn, tổ chức tín dụng và các chủ đầu tư đánh giá các dự án BĐS đang cho vay, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Các tổ chức tín dụng cũng cần xem xét cho vay với chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, các đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng. Về phía DN BĐS cần chủ động tái cấu trúc, rà soát các sản phẩm phù hợp với thị trường, thậm chí chấp nhận giảm giá bán để tìm kiếm dòng tiền vào.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ bình ổn ở mức hiện tại trong thời gian tới và sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, một số ngân hàng tại Việt Nam đã không thể dùng hết hạn mức dư nợ tín dụng được cấp năm ngoái do lãi suất cao khiến người tiêu dùng ngại vay. Đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến thị trường.
Năm 2024, dự báo tỉ giá sẽ được giữ ổn định bởi áp lực lên tiền đồng đã giảm so với giai đoạn 2022-2023. Tỉ giá USD/VND ổn định đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất của Việt Nam sẽ ổn định. Mặt bằng lãi suất và biến động lãi suất thấp sẽ hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng trưởng thông qua tăng trưởng tín dụng. Điều này sẽ tác động tích cực hơn đến thị trường nhà đất”.
Dự báo năm 2024 nguồn thu từ phí sử dụng đất
của các dự án tăng 70%
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, gần đây một số dự án có vị trí đẹp được phát triển bởi các công ty lớn đã mở bán rất thành công với hơn 80% sản phẩm được bán hết. Thị trường có niềm tin rằng cuối tháng 1-2024 Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt để tháo gỡ những vấn đề còn lại của thị trường.
Có một số chỉ báo cho thấy Chính phủ rất quyết tâm xử lý những vấn đề của thị trường BĐS. Nguồn thu từ phí sử dụng đất của các dự án được phê duyệt năm 2024 dự kiến sẽ tăng 70% so với năm ngoái, cho thấy số lượng dự án được phê duyệt sẽ tăng mạnh. Chính phủ cũng đã chỉ đạo xử lý các vấn đề pháp lý đang khiến một số dự án bị đình trệ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-dn-bat-dong-san-tra-duoc-het-no-trai-phieu-post772370.html