Nhiều đoạn đê biển ở Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê rất cao
Ngày 6/8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cùng với mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao, tại tuyến đê biển Tây đã xuất hiện nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê là rất cao. Nhiều khả năng nước biển cũng sẽ tràn vào nội đồng tại những đoạn đê thấp.
Tăng cường gia cố các đoạn đê biển Tây bị sụt lún do hoàn lưu bão số 2 gây ra
Qua rà soát, tổng hợp số liệu Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện và thành phố Cà Mau, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã xác định thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm sạt lở tuyến đê biển Tây 04 đoạn với tổng chiều dài 541 mét, cùng với đó 1.700 mét tuyến đê biển Tây có hiện trạng đê thấp có khả năng bị tràn nếu triều cường dâng cao kết hợp với sóng biển do ảnh hưởng của thời tiết. Ước tổng thiệt hại 3,210 tỷ đồng.
Qua khảo sát thực tế thì hiện nay toàn tuyến đê biển Tây có 3 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 2.998 mét. Trong đó, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc bị sạt lở nguy hiểm khoảng 141 mét và sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 60 mét.
Tại khu vực này, UBND tỉnh Cà Mau đã tập trung mọi nguồn lực để thi công kè lát mái và đến ngày 04/8/2020 thì cơ bản hoàn thành (xếp rọ đá từ 2-3 rọ), đảm bảo chắn sóng, ổn định đê biển. Hiện, chỉ còn khoảng 81 mét tại những vị trí phía trước có rừng phòng hộ là chưa lát mái đê, đang được tỉnh duy trì trên 30 nhân công để tiếp tục triển khai các công tác còn lại nhằm hoàn thiện công trình theo thiết kế được duyệt trước ngày 10/8/2020.
Bên cạnh đó, đoạn từ Ba Tĩnh đến T25, chiều dài sạt lở cũng rơi vào khoảng 1.900 mét (giáp từ Kè rọ đá bờ Bắc Vàm Ba Tỉnh đến kè rọ đá bờ Nam Vàm T25, đai rừng còn từ 12m ÷ 25m). Do bên ngoài khu vực này chưa có kè xây dựng nên diễn biến sạt lở rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển, có khả gây vỡ đê nếu không triển khai các giải pháp ngay từ bây giờ.
Riêng đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa cũng bị sạt lở khoảng 957 mét, đai rừng còn rất mỏng, thậm chí có đoạn không còn đai rừng. Bên ngoài đoạn này, UBND tỉnh cũng đang triển khai xây dựng kè cơ bản, nhưng đến nay một số đoạn chưa đổ đá vào thân kè nên chưa tạo được bùn bồi lắng, diễn biến sạt lở vẫn còn diễn ra.
Theo ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Đối với đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc, về cơ bản đang được triển khai các giải pháp kỹ thuật thực hiện đảm bảo ổn định mái đê, thân đê trong điều kiện sóng to, gió lớn, tiêu hao năng lượng sóng. Sở Nông nghiệp đã yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo vệ an toàn đê biển trong mùa mưa bão năm 2020.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều, cũng cho biết thêm: Đối với đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa, tỉnh cũng sẽ đề xuất đóng 2 hàng cừ tràm, thả đá hộc giữa 2 hàng cừ tràm và trải vải bạt HDPE áp bờ. Nguồn dự phòng phí từ các gói thầu số 37, 38 và 39 thuộc Dự án xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây tỉnh Cà Mau và nguồn vốn hộ đê năm 2020. Riêng đoạn từ Ba Tĩnh đến T25, tỉnh đã sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tiến hành gia cố xếp rọ đá phía biển.
Trà lúa Hè Thu phát triển kém vì nước mặn xâm nhập
Do mùa khô năm 2019-2020 kéo dài làm cho hệ thống kênh mương trong vùng khô cạn, gây sụt lún đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (thuộc ấp Thời Hưng) phải bơm đất tạo phản áp mương đê làm nước mặn thẩm thấu vào phía đồng gây xói bản đáy cống Trùm Thuật Nam.
Bên cạnh đó, mùa mưa đến muộn, lượng mưa đầu mùa thấp nên việc tháo rửa phèn, rửa mặn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt nước mặn mao dẫn từ kênh mương đã thẩm thấu vào ruộng lúa kết hợp với đất, nước bị nhiễm phèn làm cho trà lúa Hè Thu phát triển kém, gây thiệt hại cho một số diện tích.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều cũng cho biết: Về vấn đề này, Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ cơ sở, Ban nhân nhân các ấp có diện tích lúa bị ảnh hưởng tổ chức xuống trực tiếp địa bàn kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân khắc phục đồng thời, tổ chức mời nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại tập hợp theo từng nhóm nông dân từ 7 ÷10 người để hướng dẫn khắc phục.
Đối với những ruộng lúa bị thiệt hại trên 70%, hoặc những ruộng lúa có 1 phần diện tích bị thiệt hại trên 70% đề nghị nông dân liên hệ mua mạ ở các địa phương khác cấy lấp lại diện tích bị thiệt hại, áp dụng biện pháp chăm sóc bón phân như trên.
Qua đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng đề nghị UBND xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải chỉ đạo các ấp phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh , huyện tuyên truyền vận động bà con nông dân bám sát đồng ruộng hướng dẫn kịp thời các biện pháp khắc phục.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu UBND tỉnh Cà Mau sẽ xem xét hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra làm thiệt hại trà lúa Hè Thu của xã Khánh Bình Tây và Khánh Hải của huyện Trần Văn Thời.
Đồng thời, Trung tâm quản lý, khai thác công trình thủy lợi cùng Hạt quản lý Đê điều có trách nhiệm gia cố hệ thống bờ bao chống tràn đảm bảo an toàn vùng sản xuất, tiếp tục bơm tháo nguồn nước nhiễm phèn, mặn nhằm cải tạo nuốn nước tốt hơn./.