Nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch chia cổ tức khủng
Mùa họp đại hội đồng cổ đông năm 2024 đang bước vào giai đoạn cao điểm. Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, điều nhà đầu tư trông đợi nhất là kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp. Đây cũng là thông tin tích cực phần nào hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chung vẫn đang đứng trước áp lực điều chỉnh.
Vẫn ăn nên làm ra
Trong bối cảnh kinh doanh đầy khó khăn của năm 2023, đơn hàng thiếu hụt, tiêu thụ sản phẩm đầu ra suy yếu, lợi nhuận sụt giảm, phần lớn doanh nghiệp hạn chế chia cổ tức. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp công bố kế hoạch chia cổ tức khủng cho năm 2023 và cả cho năm 2024.
Đứng đầu về tỷ lệ chia cổ tức cho năm 2023 có lẽ vẫn là CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) với mức 250% (25.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng dự chi hơn 664 tỉ đồng. Đây là một trong những doanh nghiệp có truyền thống chia cổ tức rất cao cho cổ đông. Cụ thể giai đoạn 2020-2021, VCF cũng trả cổ tức ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu; đỉnh điểm, cổ tức năm 2017 lên đến 66.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2023, VCF ghi nhận doanh thu thuần 2.353 tỉ đồng và lãi sau thuế 450 tỉ đồng, lần lượt tăng 7% và 41% so với năm 2022.
CTCP Cảng Xanh VIP (UpCom: VGR) chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt đợt 2 năm 2023 với tỷ lệ tới 60%. Trước đó, VGR đã tạm ứng cổ tức đợt 1 vào cuối tháng 5-2023 với tỷ lệ 10%. Như vậy tổng mức chia cổ tức cho năm 2023 lên tới 70% theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 công bố vào ngày 14-3 vừa qua. Trước đó, trong năm 2022, VGR chia cổ tức với tỷ lệ 40%, năm 2021 là 25%, năm 2020 là 20%.
Sau khi đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1-2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% vào cuối tháng 8-2023, Hội đồng quản trị CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL) mới đây tiếp tục thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 2-2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2023 lên tới 50%, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp công ty duy trì mức chia cổ tức này cho cổ đông. Năm 2023, RAL ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.316 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 584 tỉ đồng, đều tăng 20% so với năm trước và là năm có kết quả kinh doanh cao kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.
Một doanh nghiệp khác cũng có tỷ lệ chia cổ tức cao là CTCP Bia Sài Gòn – Miền Tây (UpCom: WSB) – công ty con của Sabeco (HOSE: SAB), với tỷ lệ 30% mới công bố. Nếu tính luôn việc tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 10%, tổng mức chia cổ tức cho năm 2023 của WSB lên tới 40%, là mức chia cao nhất trong ba năm qua. Cụ thể, tỷ lệ chia cổ tức năm 2021-2022 của WSB là 30%, năm 2020 là 50%. Đây cũng là doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức cao ổn định kể từ khi niêm yết năm 2010 đến nay.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang đứng trước áp lực điều chỉnh, thông tin chia cổ tức khủng được công bố trước thềm họp đại hội đồng cổ đông có thể trở thành bệ đỡ quan trọng cho giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này. Tính từ ngày 28-3 đến phiên giao dịch đầu tuần này (8-4), chỉ số VN-Index đã rớt từ đỉnh cao 1.294 xuống 1.247 điểm, tức giảm 47 điểm, tương đương giảm hơn 3,6%, trước nỗi lo ngại về tỷ giá và lãi suất diễn biến khó lường và động thái liên tục hút ròng qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
Điểm chung của các doanh nghiệp chia cổ tức khủng
Điểm chung thứ nhất của các doanh nghiệp duy trì chính sách chia cổ tức khủng trong nhiều năm là phần lớn thuộc nhóm sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, do đó dù nền kinh tế chung có đối mặt khó khăn thì hoạt động của các doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng quá lớn. Ngoài ra, là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu với sản phẩm đầu ra tiêu thụ ổn định, dòng tiền của các doanh nghiệp này lành mạnh nên đảm bảo được chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt cao.
Điểm chung thứ hai là các doanh nghiệp này có lượng cổ đông rất cô đặc và chủ yếu là cổ đông tổ chức. Trong khi WSB là công ty con của Sabeco với tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ hơn 70,5%, cổ đông lớn kế tiếp là quỹ AFC Vietnam Fund nắm 7,22%; tại VCF cổ đông lớn nhất nắm đến 98,5% vốn là Công ty TNHH MTV Masan Beverage (công ty con của Masan Group). Hay như tại VGR, hai cổ đông lớn nhất nắm hơn 96% vốn điều lệ của VGR, trong đó công ty mẹ – CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC) nắm gần 74,4%, kế tiếp là Công ty Vận tải Evergreen Marine Corporation nắm hơn 21,7%. Chính vì vậy, các cổ đông lớn này vừa là bên có tiếng nói quyết định đến chính sách chia cổ tức hàng năm của doanh nghiệp, vừa là bên hưởng lợi lớn nhất từ mức chi trả cổ tức cao trong nhiều năm của chính doanh nghiệp.
Điểm chung thứ ba là cổ phiếu của những doanh nghiệp này luôn thuộc tốp những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán. Như VCF đang giao dịch ở mức giá quanh 230.000 đồng/cổ phiếu, đặc biệt sau khi có thông tin về việc chia cổ tức thì thị giá của VCF đã có màn bứt phá tăng hơn 30% trong nửa cuối tháng 3. RAL đang giao dịch ở mức giá quanh 130.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay; VGR đang giao dịch quanh 50.000 đồng/cổ phiếu, cũng có màn bứt tốc gần 50% trong nửa cuối tháng 3; trong khi WSB cũng giao dịch ổn định quanh 50.000 đồng/cổ phiếu.
Với việc thị giá cao, đồng thời cơ cấu cổ đông quá cô đặc, thanh khoản cổ phiếu của những doanh nghiệp này trên thị trường rất thấp, hầu như không có giao dịch. Các cổ đông cá nhân muốn mua và nắm giữ cổ phiếu lâu dài để hưởng cổ tức cao cũng không phải là điều dễ dàng. Thực tế, không như các cổ đông tổ chức muốn đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp, các cổ đông cá nhân phần lớn chỉ thích lướt sóng ngắn hạn, ăn chênh lệch giá mua bán cổ phiếu hơn là tìm kiếm những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định và duy trì chính sách chia cổ tức hấp dẫn trong nhiều năm.
Ngoài ra, theo một số nhà đầu tư, việc duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đã đến giai đoạn bão hòa, không thể mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh hiện tại cũng như thiếu các chiến lược, dự án đầu tư vào những lĩnh vực mới, nên tiềm năng tăng trưởng trong tương lai thấp, do đó giá cổ phiếu sẽ ít biến động. Dù vậy, việc chỉ tập trung kinh doanh ở những lĩnh vực cốt lõi, vốn là thế mạnh của doanh nghiệp, cũng là một lựa chọn chiến lược phù hợp, đặc biệt trong những giai đoạn nền kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro.
Thực tế cũng cho thấy việc kiên trì nắm giữ những cổ phiếu như vậy xét trong dài hạn luôn mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư. Đặc biệt trong những giai đoạn thị trường tăng nóng, định giá nhiều doanh nghiệp đã ở mức quá cao, rủi ro lớn, việc tìm kiếm những cổ phiếu có giá trị hợp lý và có chính sách chia sẻ lợi nhuận cho cổ đông là điều cần quan tâm. Ngoài ra, việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt cũng là cách mà nhà đầu tư đánh giá hoạt động và dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp vẫn ổn định và lành mạnh.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhieu-doanh-nghiep-cong-bo-ke-hoach-chia-co-tuc-khung/