Nhiều doanh nghiệp đang… kiệt sức

Thị trường đầu ra thu hẹp ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp, thống kê cho thấy 65% doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ đang ở thời kỳ khó khăn nhất, thậm chí hơn cả thời kỳ đỉnh dịch COVID-19. Liệu có giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trên?

“Xuất khẩu rất khó khăn, không có đơn hàng. Anh em ngành gỗ nói với nhau là thôi cắn răng mà chịu để vượt qua, ngành nghề nào cũng như đồ thị hình Sin cả, lúc thăng - lúc trầm, quan trọng phải quản trị sản xuất và năng lực tài chính cho tốt”. Đây là những chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

65% DN không có kế hoạch mở rộng

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, thị trường trong nước không thể là chỗ dựa, bởi lâu nay đồ gỗ định hướng làm ra để xuất khẩu. Chưa kể, do ngành bất động sản gặp khó khăn, gỗ lại là mặt hàng “cộng sinh” với thị trường bất động sản, do đó nếu bất động sản không khởi sắc, thì thị trường đồ gỗ trong nước cũng không thể tăng trưởng được.

Thị trường đầu ra khó khăn đang đẩy nhiều DN vào tình cảnh hoạt động cầm chừng.

Thị trường đầu ra khó khăn đang đẩy nhiều DN vào tình cảnh hoạt động cầm chừng.

Cùng chung tình cảnh khó khăn, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai) - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, gia công các sản phẩm từ gang đúc, cho biết DN này đang ở trạng thái khó khăn, thị trường ngày càng xấu đi. “Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, thị trường xuất khẩu của công ty đóng băng. Mới đây, công ty có kết nối được với khách hàng Nhật nhưng mọi quá trình vẫn đang trong giai đoạn đàm phán”, ông chia sẻ với VnBusiness.

Đối với ngành công nghiệp phụ trợ, ông Phan Văn Tứ cho hay có sự dịch chuyển đơn hàng của các công ty nước ngoài sang Việt Nam, nhưng lại qua công ty trung gian của Đài Loan (Trung Quốc) chứ không nhập hàng trực tiếp từ doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nguyên nhân là do DN Việt Nam vẫn đang bị động trong chuỗi cung ứng, phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Dẫn tới, đối tác chọn mua hàng từ nước thứ 3 thay vì nhập trực tiếp của DN việt Nam.

“Trước khó khăn như vậy, DN không có dự định mở rộng sản xuất, thay vào đó cố gắng chắt chiu từng đơn hàng để công nhân có việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu”, ông Tứ than thở.

Một kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố gần đây cũng phản ánh rõ khó khăn mà cộng đồng DN đang đối mặt. Cụ thể, chỉ 35% DN cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Điều này có nghĩa, một tỷ lệ rất lớn 65% DN không có kế hoạch mở rộng. Thậm chí, tỷ lệ DN dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa DN là 10,7%, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Giải pháp duy trì dòng tiền

Báo cáo của VCCI cũng cho thấy quy mô, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của DN tư nhân ở mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19. Trong năm 2022, chỉ 5,1% DN tăng vốn đầu tư và 4,9% DN tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức của năm 2019 (với tỷ lệ tương ứng là 8,3% và 11,5%).

Về hiệu quả kinh doanh, chỉ 42,6% DN tư nhân cho biết có lãi trong năm 2022, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ DN báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.

“Cả hai con số tỷ lệ DN báo lãi hoặc báo lỗ của 3 năm gần đây là những chỉ báo cho thấy, các DN tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian khó khăn trong hoạt động kinh doanh”, báo cáo của VCCI chỉ ra.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, 3 năm 2020 – 2022, nền kinh tế trải qua đại dịch COVID-19 và nhiều bất ổn bất thường của kinh tế thế giới. Đó là 3 năm khó khăn, thử thách khả năng chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân còn non yếu. Phải khách quan thừa nhận rằng, tuy nền kinh tế trụ vững qua 3 năm đặc biệt khó khăn vừa qua, song khu vực nội bị suy yếu, nhiều DN đang bị khát vốn, sức lực suy giảm đáng kể, trong khi các kênh dẫn vốn chính – đầu tư công, thị trường trái phiếu, cổ phiếu… bị tắc nghẽn.

“Tình thế của nền kinh tế 3 năm qua mang tính chỉ báo rất cao cho năm 2023. Nhiều chỉ dấu cho thấy, thực lực còn yếu của khu vực kinh tế bản địa, làm bộc lộ những điểm yếu cấu trúc không thể coi thường của nền kinh tế”, ông Thiên đánh giá.

Trong bối cảnh này, PGS.TS. Trần Đình Thiên chỉ ra rằng, DN và cơ quan quản lý cần nhận diện, xác định các cơ hội và thách thức để tái cơ cấu, đổi mới thể chế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Với giải pháp trước mắt, các DN cho biết điều quan trọng nhất là duy trì dòng tiền. Ngoài các phương án thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí, DN cần được hỗ trợ nhiều mặt về chính sách. Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa nhận định, DN luôn xác định “tiền là máu, nếu DN thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, DN thiếu vốn sẽ kéo lùi sự tăng trưởng, thậm chí dẫn đến DN phải ngừng hoạt động. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa bày tỏ mong muốn, Chính phủ có những giải pháp giúp DN tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh chóng, vừa an toàn và hiệu quả trong thời gian tới.

Đồng thời, nhiều DN cũng phản ánh Nhà nước nên khẩn trương có các thông tư hướng dẫn, thi hành các Nghị định hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn. Hiện, các văn bản mặc dù đã ban hành nhưng không có thông tư hướng dẫn về giải ngân, vay vốn nên các việc thực thi bị chậm trễ.

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II phải đạt 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP). Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ DN, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Bà Tô Thị Tường Lan

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Tình hình thị trường của các DN thủy sản đang rất khó đưa ra dự báo, có thể khởi sắc một chút nhưng phải từ quý III trở đi. Chúng tôi làm khảo sát với DN, trong tháng 4- 5, đơn hàng chưa có, nguyên liệu cũng không dồi dào. Hiện nay, có những DN chỉ sản xuất 3 ngày/tuần, hoạt động cầm chừng. Nhiều DN đánh giá còn khó khăn hơn so với giai đoạn năm 2021, 2022 khi đỉnh dịch. Tình hình khó khăn này có thể kéo dài tới hết năm 2023, thậm chí sang đến hết quý I/2024.

Ông Thân Đức Việt

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10

Năm 2023 chứng kiến những xu hướng thay đổi, có những DN mở ra lĩnh vực kinh doanh mới và phát triển nhưng có DN buộc phải rút lui khỏi thị trường. Với May 10, DN đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Trong quý I, DN sụt giảm 10%; trong quý II, quý III (thời kỳ cao điểm của sản phẩm may mặc) nhưng lượng hàng giảm 20-30%. May 10 có công nghệ sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm tốt… Tuy nhiên, DN phụ thuộc vào xuất khẩu nên khi bị ảnh hưởng thì những điều trên không có nhiều ý nghĩa.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhieu-doanh-nghiep-dang-kiet-suc-1092040.html