Nhiều doanh nghiệp dạng 'vỏ' nhưng vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn
Có hơn 60% giá trị trái phiếu rủi ro cao trong năm nay đến từ các doanh nghiệp được thành lập chỉ để huy động vốn (SPE), không có hoạt động kinh doanh và có khả năng trả nợ rất yếu…
Cần lưu ý rủi ro từ nhóm SPE
Tiếp đà hồi phục từ cuối năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực từ đầu năm nay khi hoạt động kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn và môi trường lãi suất thấp hỗ trợ khả năng trả nợ và tái huy động vốn của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tâm lý thị trường chung cải thiện, cùng với việc thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với các bên tham gia thị trường hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu, đẩy mạnh thanh khoản và tiếp tục phát triển chiều sâu của thị trường trái phiếu nội địa trong thời gian tới.
Tuy vậy, rủi ro vẫn hiện hữu khi tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu toàn thị trường vẫn ở mức cao, dự báo đạt đỉnh ở mức 15% vào tháng 10/2024, sau đó giảm dần về mức 14,7% vào cuối tháng 12/2024, theo VIS Rating.
Theo VIS Rating, ước tính lượng trái phiếu có rủi ro cao trong năm nay vào khoảng 40.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với con số 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới trong năm 2023.
Đa phần trái phiếu có rủi ro cao thuộc về các doanh nghiệp liên quan đến khối bất động sản hoặc xây dựng với dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn rất hạn chế.
VIS Rating cũng cho rằng có hơn 60% giá trị trái phiếu rủi ro cao trong năm 2024 đến từ nhóm SPE, không có hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ rất yếu và có liên quan đến các nhóm doanh nghiệp đang chậm trả gốc/lãi trái phiếu.
Trước đó, cung cấp thêm thông tin về câu chuyện này, ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating cho hay, tỷ trọng SPE/tổng số trái phiếu phát hành đang ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây (35%).
SPE là các doanh nghiệp không có dòng tiền, không có hoạt động kinh doanh thật để trả nợ vay trái phiếu. Hình thức sử dụng SPE để huy động trái phiếu đặc biệt phổ biến trong nhóm ngành bất động sản - xây dựng.
Theo số liệu của VIS Rating, 54% SPE có vấn đề trong việc trả nợ. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là 1/3 doanh nghiệp nhóm này không có website, thể hiện sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin. Trong khi đó, bên mua lại trái phiếu của nhóm SPE chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Ông Minh đưa ra một ví dụ điển hình về SPE đó là Công ty cổ phần Vinam Land. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2018, ban đầu có tên là Công ty cổ phần Chuẩn bị làm nhà, vốn điều lệ 3,6 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Ngày 20/4/2023, doanh nghiệp này đã đổi tên thành Công ty cổ phần Vinam Land, vốn điều lệ tăng lên 490 tỷ đồng, ngành nghề đăng ký kinh doanh chính chuyển sang kinh doanh bất động sản, nhưng cơ cấu cổ đông không được tiết lộ và đến tháng 5/2023 tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 520 tỷ đồng.
Ngày 23/6/2023, Vinam Land phát hành riêng lẻ thành công lô trái phiếu giá trị 1.500 tỷ đồng (cao gấp 3 lần vốn điều lệ). Đây là trái phiếu có lãi suất hỗn hợp, lãi suất kỳ đầu ở mức 14%/năm, mức lãi suất này rất cao so với mặt bằng chung.
Ông Minh cho hay, dù thị trường có thể kết thúc điều chỉnh và chuyển sang chu kỳ mới, nhưng rủi ro từ nhóm SPE vẫn cần đặc biệt lưu ý.
Tại hội thảo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tổ chức vào trung tuần tháng 5/2024, các chuyên gia cho biết chất lượng trái phiếu doanh nghiệp là một trong những “điểm nghẽn” lớn của thị trường. Yếu tố này liên hệ mật thiết với chất lượng tín dụng của doanh nghiệp cũng như mục đích phát hành trái phiếu.
Trên thực tế, thị trường có nhiều doanh nghiệp dạng “vỏ”, không có hoạt động kinh doanh cốt lõi nhưng vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn. Những doanh nghiệp này kém minh bạch và khả năng trả nợ yếu, nên có tỷ lệ trái phiếu chậm trả rất cao.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, trái phiếu doanh nghiệp phát hành để tái cơ cấu nợ tăng lên rất nhiều, dẫn đến chất lượng phát hành chưa được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, điều này có thể được lý giải do cơ quan quản lý đã siết chặt hơn các quy định về công bố thông tin cũng như mục đích sử dụng vốn thực sự của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu.
Các giải pháp điều hành
Ngày 5/7/2024, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành. Các nhóm giải pháp chính bao gồm:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công;
Thứ hai, tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản;
Thứ ba, theo dõi thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền;
Thứ tư, tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát;
Thứ năm, rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan;
Thứ sáu, nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức;
Cuối cùng là tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
Các giải pháp trên đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt và giao các bộ, ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai phối hợp đồng bộ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản.
Trong đó, cùng với việc điều hành tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phù hợp, các biện pháp đảm bảo minh bạch, nâng cao chất lượng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hỗ trợ để thị trường tự điều chỉnh, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.
FiinRating dự báo nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay, giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, FiinRating cũng dự báo ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024. Để đáp ứng điều này, các ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục của thị trường này.