Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội số tiền lớn

Tình trạng chậm đóng, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn tồn tại kéo dài nhiều năm qua đến nay vẫn khó giải quyết, khiến người lao động (NLĐ) phải chịu 'thiệt đơn, thiệt kép'.

Nợ bảo hiểm xã hội kéo dài ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Ảnh:Ngọc Oanh.

Nợ bảo hiểm xã hội kéo dài ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Ảnh:Ngọc Oanh.

Thu hồi số tiền lớn sau thanh tra

Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, tính đến ngày 5/8/2024, Hà Nội có 25 doanh nghiệp (DN) có số tiền chậm đóng BHXH trên 10 tỷ đồng. Có những DN do nhiều nguyên nhân trong thời gian rất dài vẫn không giải quyết dứt điểm được khoản tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ.

Theo thông tin từ BHXH Hà Nội, số tiền nợ tích lũy lên đến hơn 5.400 tỷ đồng, trong đó gồm cả khoản lãi chậm đóng lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Trong số này có hơn 15.000 DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích dẫn đến nợ không có khả năng thu hồi.

Những con số trên cho thấy, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đã và đang diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy. Điều này không những ảnh hưởng tới quyền lợi trước mắt, trực tiếp của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của NLĐ vào hệ thống BHXH.

Để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng chậm đóng BHXH, ngoài việc tuyên truyền, vận động, cơ quan BHXH đã tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, chỉ trong tháng 7/2024, đã thực hiện 411 cuộc thanh tra, kiểm tra, lũy kế 7 tháng đầu năm đã thực hiện 1.899 cuộc. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 1.601 cuộc và thanh tra, kiểm tra đột xuất 298 cuộc. Sau những cuộc thanh tra, kiểm tra này, các đơn vị đã nộp để khắc phục tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp 145,6 tỷ đồng (đạt 83%). Ngoài ra, BHXH TP Hà Nội phối hợp với các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND thành phố xử phạt hành chính hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với 24 đơn vị với 1.390.983.347 đồng. Mặc dù vậy, theo đánh giá các giải pháp hiện hành chưa đủ sức mạnh để khắc phục, xử lý triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Sớm có giải pháp “đặc trị”

BHXH Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến cuối tháng 12 giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH xuống còn 2,2%, bảo đảm thu chặt chẽ để ổn định nguồn Quỹ BHXH. Ngành sẽ công khai danh sách DN chây ì, nợ đóng. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh thanh tra để thu hồi nợ đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra tập trung vào các đơn vị, DN chưa đăng ký đóng BHXH, đóng BHXH không đầy đủ, chậm tiền đóng từ 3 tháng trở lên, giảm tiền lương đóng BHXH.

“Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt hành vi vi phạm, kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định đối với các đơn vị, DN cố tình chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, ngành đề xuất thành phố có các biện pháp cụ thể như không cho phép các DN nợ đóng tham gia đấu thầu dự án và có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý”- đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành BHXH, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp kiên quyết với hành vi chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Đề cập về giải pháp cho căn bệnh trốn, chậm đóng BHXH, theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường hợp cố tình trốn đóng BHXH phải đưa ra pháp luật xử lý, bởi trong luật đã quy định có biện pháp xử lý hành chính hoặc đưa ra xử lý hình sự.

Theo ông Huân, xử lý DN vi phạm rất khó khăn nhưng cơ quan chức năng vẫn phải làm, chia ra 2 loại, một loại là cố tình chây ì, một loại là do điều kiện khách quan dẫn đến khó khăn; phân loại để xử lý và có các biện pháp phù hợp. “Trong luật sửa đổi đã quy định rõ, vấn đề nào thuộc hành chính, vấn đề nào thuộc hình sự. Cùng với đó, cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, giám sát, xử phạt để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ” - ông Huân nói.

Hiện nay Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn. Trong đó, Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Theo đó, biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH gồm: bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng hành vi trốn đóng BHXH còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Với những quy định mới trên được kì vọng sẽ giải quyết được những nút thắt của câu chuyện nợ BHXH tồn tại lâu nay.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhieu-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-so-tien-lon-10288146.html