Nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hóa lao đao đứng trên bờ phá sản
Hàng trăm doanh nghiệp ở Thanh Hóa cho biết, trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do 'bão giá', các quy định nghiêm ngặt về PCCC, vốn vay.
Sáng 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN) năm 2023 với chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Có hơn 300 đại biểu thuộc Ban Chấp hành Hiệp hội DN tỉnh và các DN đại diện cho các hiệp hội, hội ngành hàng đến dự.
"Nóng" vấn đề PCCC
Tại Hội nghị, các DN đại diện cho các hiệp hội, hội ngành hàng đã nêu các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ trên nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sản xuất, kinh doanh hiện nay, như: Việc áp dụng quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới khiến nhiều DN chưa kịp thích ứng và những vướng mắc trong lộ trình khắc phục; lãi suất vẫn đang ở mặt bằng cao, việc tiếp cận nguồn vốn ở một số lĩnh vực khó khăn do thủ tục thẩm định khắt khe, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, du lịch; nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và giao thông gặp khó về nguồn cung, giá cả biến động thất thường khó lường....
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn cho biết: "Sau 3 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và hiện tại là suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Số đơn hàng còn lại, đơn giá chỉ đạt 55 - 65%".
Hiện nay, ngành dệt may đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, một vấn đề khiến các DN đang gặp khó là Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới trong PCCC mà nhiều DN chưa thể đáp ứng ngay được và nguy cơ sẽ bị đình chỉ hoạt động. "Các DN ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc làm, không có thu nhập", ông Lâm thẳng thắn.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Thanh Hóa bày tỏ: "Theo quy định mới của việc PCCC, không riêng gì DN tư nhân mà kể cả DN nhà nước, các cơ quan, trường học đều phải bỏ một khoản tiền rất lớn để đầu tư. Việc quy định chặt chẽ đã đẩy DN vào tình thế không có lối thoát, nhiều DN phải phá sản. Đơn cử như DN Hồng Phát hoạt động trong lĩnh vực cơ khí phát triển mạnh.
Thời điểm Covid-19 các đơn hàng của họ không thể xuất đi được. Sau tiếp đến việc ngân hàng siết chặt lãi suất, không cho vay. Họ đang loay hoay tìm giải pháp thì lại ập đến các quy định PCCC, họ không đủ điều kiện hoạt động buộc phải đình chỉ sản xuất. Nợ ngân hàng chồng chất dẫn tới họ đã bị phá sản...".
Ông Trần Quốc Trường, Chi hội phó Chi hội DN Khu công nghiệp (KCN) Đình Hương - Tây Bắc Ga cho biết: "KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn PCCC mới, theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với bị xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng, thì các DN hiện đang bị tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất từ cuối năm 2022 để khắc phục".
Hiện nay, một số DN đã chấp hành xử phạt hành chính. Nhiều DN cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư, cải tạo, phá bỏ nhiều công trình tốn kém phi phí.
Đại diện cộng đồng DN, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa nhận định, các ý kiến phát biểu của các DN đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hiện nay.
Ngoài ra, hiệp hội cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng, các DN, trong đó có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, có những vướng mắc nếu không được giải quyết kịp thời, phù hợp, thấu đáo, thì có thể dẫn DN đến bờ vực phá sản.
Vì vậy, thay mặt cho cộng đồng DN, Hiệp hội DN tỉnh đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác PCCC, giá vật liệu xây dựng, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch Covid-19, thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
"Gỡ vướng" cho DN bằng cách nào?
Liên quan đến các ý kiến về công tác PCCC, Đại tá Lê Như Lập, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông tin tới DN các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC hiện hành. Với các cơ sở đã nghiệm thu PCCC theo quy định trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP và không cải tạo thêm thì sẽ không phải thực hiện nghiệm thu lại.
Công an tỉnh cũng chia sẻ và đồng ý với đề nghị của Hiệp hội DN tỉnh về khó khăn của DN và sẽ tổng hợp các vướng mắc về công tác PCCC trong thời gian qua, báo cáo UBND tỉnh để đưa ra giải pháp, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tháo gỡ cho các DN, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND Thanh Hóa đề nghị Công an tỉnh ban hành ngay công văn hướng dẫn địa chỉ truy cập các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC gửi tới các hội, hiệp hội DN. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN khôi phục hoạt động sản xuất. Phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ, nhóm lỗi hiện hữu, trường hợp DN nguy cơ cao, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, để bảo đảm yêu cầu PCCC, yêu cầu chủ cơ sở nâng cao ý thức về phòng, chống chảy nổ, xây dựng lộ trình và ký cam kết thời gian khắc phục cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị DN có kiến nghị tiếp tục gửi bằng văn bản đến các tổ thư ký, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền (của Trung ương, của tỉnh) để xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của DN bảo đảm quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển bền vững, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.