Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dừng sản xuất, tìm thị trường mới thay thế Mỹ

Sự gián đoạn cho thuế quan gây ra cũng đang buộc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc phải thử nghiệm những chiến lược bán hàng mới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Theo giới doanh nghiệp và các nhà phân tích, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đang tạm dừng sản xuất và chuyển sang tìm kiếm các thị trường mới trong bối cảnh thuế quan Mỹ bắt đầu tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, lượng đơn hàng giảm sút cũng ảnh hưởng đến tình hình công ăn việc làm ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hãng tin CNBC cho hay.

Ông Cameron Johnson, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn Tidalwave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải, nói với CNBC: “Tôi biết một số nhà máy đã cho một nửa số công nhân nghỉ việc tạm thời trong vài tuần và dừng hầu hết hoạt động sản xuất”. Cũng theo ông Johnson, các nhà máy sản xuất đồ chơi, đồ thể thao và hàng hóa giá rẻ kiểu cửa hàng đồng giá là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất hiện nay.

“Mặc dù chưa diễn ra trên diện rộng, nhưng tình trạng này đã xuất hiện ở các trung tâm sản xuất chính cho xuất khẩu là Nghĩa Ô và Đông Quản. Có nhiều ý kiến lo ngại rằng tình trạng này sẽ lan rộng. Vẫn có hy vọng rằng thuế quan sẽ được hạ xuống để các đơn hàng có thể trở lại, nhưng trong thời gian chờ đợi, các công ty đang cho công nhân nghỉ việc tạm thời và tạm dừng một số hoạt động sản xuất”, ông nói.

NHỮNG CHIẾN LƯỢC BÁN HÀNG MỚI

Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, có khoảng 10 đến 20 triệu công nhân ở Trung Quốc làm việc trong các doanh nghiệp xuất khẩu sang hàng hóa sang thị trường Mỹ. Còn theo số liệu chính thức, tổng số lượng công nhân tại các thành phố của Trung Quốc trong năm ngoái là 473,45 triệu người.

Trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế quan 125% lên hàng Mỹ. Ông Trump những ngày gần đây nói rằng hai bên đang đàm phán, nhưng phía Trung Quốc phủ nhận thông tin này. Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent không đưa ra thông tin cụ thể gì mới về hướng đi nhằm đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng nói rằng việc có đạt được thỏa thuận hay không tùy thuộc vào Bắc Kinh.

Nhà sáng lập kiêm CEO Ash Monga của công ty quản lý chuỗi cung ứng Imex Sourcing Services ở Quảng Châu nói rằng tác động của cuộc chiến thuế quan này lớn hơn nhiều so với đại dịch Covid-19. Ông nhấn mạnh rằng đối với những doanh nghiệp nhỏ có nguồn lực chỉ vài triệu USD, việc thuế quan tăng đột ngột có thể là một cú sốc khiến họ không chịu đựng nổi và buộc phải đóng cửa.

Sự gián đoạn cho thuế quan gây ra đang buộc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc phải thử nghiệm những chiến lược bán hàng mới.

Woodswool, một nhà sản xuất đồ thể thao có trụ sở tại Ninh Ba, đã nhanh chóng chuyển sang bán quần áo trực tuyến tại thị trường Trung Quốc thông qua phát trực tiếp (livestream). Sau khi ra mắt kênh bán hàng cách đây khoảng một tuần, công ty cho biết họ đã nhận được hơn 30 đơn đặt hàng với tổng giá trị hàng hóa hơn 5.000 nhân dân tệ, tương đương 690 USD. Với kết quả như vậy, đây là một bước đi rất nhỏ để cứu vãn hoạt động kinh doanh đã mất.

“Tất cả các đơn hàng từ Mỹ của chúng tôi đã bị hủy”, ông Li Yan - Giám đốc nhà máy và Giám đốc thương hiệu của Woodswool, nói với CNBC. Ông cho biết công ty thường xuất khẩu một nửa sản lượng sang thị trường Mỹ và sắp tới, một số dây chuyển sẽ phải ngừng hoạt động trong 2-3 tháng cho tới khi công ty phát triển được thị trường mới.

Việc triển khai bán hàng thông qua hình thức livestream là một phần trong nỗ lực của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nước này nhằm giúp các nhà xuất khẩu chuyển hướng hàng hóa của họ sang thị trường nội địa. Woodswool hiện đang bán hàng online thông qua công cụ tìm kiếm Baidu. Về phần mình, Baidu cho biết đã bắt tay với hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc để mở các kênh thương mại điện tử trong tháng 4 này, sau khi tuyên bố sẽ trợ cấp và cung cấp các công cụ AI miễn phí giúp 1 triệu doanh nghiệp bán hàng trực tuyến.

Công ty thương mại điện tử JD.com là một trong những công ty đầu tiên công bố hỗ trợ tương tự, cam kết chi 200 tỷ nhân dân tệ (27,22 tỷ USD) để mua hàng hóa Trung Quốc lẽ ra được xuất khẩu và tìm cách bán những hàng hóa đó tại Trung Quốc. Công ty giao đồ ăn Meituan cũng đã công bố sẽ giúp các nhà xuất khẩu phân phối hàng hóa trong nước, nhưng không nêu rõ kế hoạch có trị giá bao nhiêu.

Tuy nhiên, 27,22 tỷ USD chỉ chiếm tương đương trong số 524,66 tỷ USD hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vào năm ngoái.

CUỘC TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG MỚI

“Một số doanh nghiệp đã nói với chúng tôi rằng mức thuế quan 125% khiến mô hình kinh doanh của họ không còn khả thi” - ông Michael Hart, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nói với báo giới gần đây. Ông cũng lưu ý rằng sự cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc cũng đang tăng lên.

Ông Hart dự báo thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ vẫn giữ ở một mức nhất định, và sẽ có một số miễn trừ nhất định. “Đó chính xác là những gì mà hai nước đang dự định”, ông nhận xét.

Bà Ashley Dudarenok - người sáng lập ChoZan, một công ty tư vấn tiếp thị của Trung Quốc - cho biết ngày càng ít công ty Trung Quốc tìm cách xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ bằng cách đi qua các quốc gia khác, do Mỹ ngày càng giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động chuyển tải hàng hóa như vậy. Bà cũng nói rằng nhiều công ty đang đa dạng hóa sản xuất sang Ấn Độ thay vì Đông Nam Á, trong khi những công ty khác đang chuyển từ phục vụ khách hàng Mỹ sang khách hàng ở châu Âu và Mỹ Latinh. Một số công ty đã xây dựng cho mình các tuyến thương mại khác từ Trung Quốc.

Ông Liu Xu điều hành một công ty thương mại điện tử có tên là Beijing Mingyuchu chuyên bán các sản phẩm phòng tắm cho Brazil. Mặc dù gặp phải những thách thức từ tỷ giá hối đoái biến động và chi phí vận chuyển container cao, ông Liu cho biết ông hy vọng hoạt động xuất khẩu sang thị trường Brazil rốt cục sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Brazil đã tăng gấp đôi trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2024. Xuất khẩu của Trung Quốc sang quốc gia châu Phi Ghana cũng tăng với tốc độ tương tự.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-doanh-nghiep-trung-quoc-dung-san-xuat-tim-thi-truong-moi-thay-the-my.htm