Nhiều đổi thay bắt đầu từ lễ khai giảng
Năm học 2019-2020 - năm học bản lề mang đậm dấu ấn đổi mới, tạo tiền đề và động lực, niềm tin cho giai đoạn phát triển, đổi mới tiếp theo của giáo dục. Đó là kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng là mong mỏi của xã hội khi bước vào năm học mới. Những đổi thay ấy sẽ được hiện thực hóa trước hết bằng chính lễ khai giảng gọn nhẹ và thiết thực.
Thay đổi từ chính sách
Trong Thư gửi các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học 2019-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đã đạt được của ngành giáo dục trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: Năm học mới 2019-2020, ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Đến nay, Luật GDĐH sửa đổi đã chính thức có hiệu lực và Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho mọi hoạt động của ngành giáo dục với nhiều điều khoản được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu hướng giáo dục hội nhập khu vực và quốc tế.
Như quy định cụ thể về trách nhiệm của Hội đồng trường trong việc thực hiện tự chủ ĐH, không phân biệt bằng ĐH chính quy hay tại chức, yêu cầu cao hơn về trình độ chuẩn của giáo viên ở các cấp học từ mẫu giáo tới ĐH so với hiện nay, tiền lương, phụ cấp của giáo viên được quy định cụ thể hơn... Có những điều khoản lần đầu tiên được đưa vào Luật Giáo dục 2019 trong khi ở Luật Giáo dục 2005 chỉ quy định trong các văn bản dưới luật như nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền...
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, những năm vừa qua, ngành giáo dục đã có nghiên cứu cơ bản, dự báo và đánh giá thực chất hiện trạng trong bối cảnh hội nhập. Về chiến lược, kế hoạch, giai đoạn vừa rồi Bộ GDĐT tập trung nhiều công sức để xây dựng nền tảng, thiết kế, tập hợp các nhà khoa học, dựng nên bộ khung trong đó chú trọng đến tổng kết thực tiễn… Hiện Bộ GDĐT đã có khoảng 39 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước trải rộng các lĩnh vực, quy tụ hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu từ bậc học mầm non, đến phổ thông, giáo dục thường xuyên và ĐH, để nghiên cứu, đánh giá, đề xuất xây dựng quy hoạch tổng thể cho 10 năm tới. Năm 2019 thực hiện khảo sát, điều tra, phân nhóm, nghiên cứu lý thuyết, điều tra thực tiễn, khi lên khung bắt đầu xin ý kiến, sau đó hoàn thiện và công bố kế hoạch chiến lược tầm nhìn, bước đi để xã hội biết.
Những bước đi rất căn bản và thận trọng cho thấy Bộ GDĐT chú trọng tính thực tiễn của các chính sách giáo dục, từ đó để khi ban hành Chiến lược giáo dục có tính thực tiễn, khả thi. Bởi năm 2019 là năm cuối để thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”.
Giáo dục theo hướng thực học - thực nghiệp
Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã được toàn ngành triển khai xuyên suốt trong 3 năm qua, căn cứ tình hình cụ thể, mỗi năm sẽ có những hoạt động trọng tâm để triển khai thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục ở từng bậc học.
Cụ thể, đối với từng cấp học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu bật những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Trong đó, giáo dục mầm non năm học 2018-2019 đã có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Tuy nhiên, tồn tại của cấp học này đó là áp lực về số lượng và cả vấn đề nhận thức, dẫn đến dễ xảy ra sự cố trong quá trình nuôi dạy trẻ. Hướng đi tới là cần cố gắng tăng cường xã hội hóa ở cấp học này, nhưng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm giáo dục đại trà còn xã hội hóa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, học tập tốt hơn. Bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo của cấp học này cũng là bài toán cần được quan tâm của các địa phương, của ngành giáo dục do cả nước hiện vẫn thiếu hàng trăm nghìn giáo viên mầm non.
Đối với giáo dục phổ thông, trọng tâm trong thời gian tới là thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, giải quyết được nhiều vấn đề ách tắc từ nội dung chương trình, phương pháp dạy, học… Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh vào một số điểm, đó là quy hoạch lại hệ thống trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là hiệu trưởng.
Riêng đối với giáo dục ĐH, cần chú trọng đào tạo theo hướng thực học - thực nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay nhu cầu của nhà tuyển dụng, không mất thời gian đào tạo lại.
Về lộ trình đổi mới thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết trong năm học này, Bộ GDĐT sẽ công bố lộ trình thi 2021-2024 trước khi thực hiện xong lộ trình đổi mới sách giáo khoa, để từng bước thực hiện tốt theo kế hoạch.
Bức thư của học sinh lớp 5
Trước lễ khai giảng năm học 2019- 2020, bức thư của cô bé học sinh lớp 5 Nguyệt Linh trường Marie Curie Hà Nội đã truyền cảm hứng và “đánh thức” người lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.
Với đề nghị ngừng thả bóng bay trong ngày khai giảng, cô học trò nhỏ đã không chỉ bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước một vấn đề nóng của xã hội mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Bức thư của em đã nhận được sự hoan nghênh và biểu dương của Bộ GDĐT. Nhiêu trường nhận được bức thư kêu gọi của Nguyệt Linh đã hồi đáp em về việc cân nhắc ngừng thả bóng bay. Bộ GDĐT mong muốn có nhiều hơn những ý tưởng tốt đẹp về bảo vệ môi trường của các em học sinh.