Nhiều đơn vị chung tay tiêu thụ cam sành Vĩnh Long
Nhiều nhà bán lẻ và bưu điện đã và cuộc để tiêu thụ sản phẩm cam sành Vĩnh Long với mong muốn ổn định giá và đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay nhiều nhà vườn tại huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cam sành khi thương lái đã ngừng mua dẫn đến tình trạng ùn ứ sản phẩm, trong khi thị trường tiêu thụ lớn ở các tỉnh phía Bắc đang có nhu cầu thấp hơn mọi năm. Giá cam liên tục giảm mạnh, chỉ còn dao động từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn trồng cam lỗ nặng.
Thực tế, so quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phê duyệt thì diện tích trồng cam sành trên địa bàn tỉnh đã vượt hơn 30% diện tích. Hiện, những nhà vườn trồng cam ở Vĩnh Long gặp khó trong tiêu thụ chủ yếu là các hộ mới trồng lần đầu, cây khoảng 2 năm tuổi, đang cho lứa trái đầu tiên...
Trước tình hình trên, Bưu điện tỉnh Vĩnh Long cho biết, sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tại địa phương và các tỉnh lân cân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn đọng và sắp thu hoạch. Bên cạnh đó, hỗ trợ đưa sản phẩm cam sành bán trên sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhằm giúp người nông dân ổn định sản xuất và đời sống.
Chia sẻ về nguyên nhân giá cam giảm, bà Trần Thị Vân Anh – Giám đốc Bưu điện tỉnh Vĩnh Long cho rằng, những năm gần đây, nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh, dẫn đến tình trạng "cung vượt cầu". Bên cạnh đó, thị trường miền Bắc chưa tiêu thụ kịp vì trời lạnh và cam sành thu hoạch trùng thời điểm với mùa thu hoạch một số giống cam khác ở miền Bắc, miền Trung. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tạo cơ hội cho người dân có nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng nông sản trái cây từ các vùng miền.
"Hiện, chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết số lượng cam chín, dù giá không được như kỳ vọng nhưng cũng cố gắng xuất bán hết lượng cam chín tồn đọng. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh cũng đưa thông tin cam sành lên sàn thương mại điện tử Postmart, đồng thời liên hệ với các Bưu điện tỉnh, thành phố lân cận, dự kiến sẽ tiêu thụ được trên 15 tấn cho bà con. Chúng tôi cũng tiến hành vận động các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục hỗ trợ cam cho bà con nông dân", bà Vân Anh chia sẻ.
Việc chung tay, chia sẻ với bà con nông dân trong thời gian khó khăn này là việc làm rất ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời là cầu nối tạo ra các chuỗi liên kết tiêu thụ từ đó tạo dựng kiên kết cung cầu về nông sản nói chung trên địa bàn tỉnh. Trong ngày đầu triển khai thực hiện, gần 1 tấn cam sành đã được tiêu thụ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người trồng cam trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, hàng loạt các kênh phân phối cũng vào cuộc tiêu thụ loại nông sản này để hỗ trợ cho người dân tỉnh Vĩnh Long. Đơn cử, nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết sẽ thu mua gần một trăm tấn cam sành của tỉnh Vĩnh Long để bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ với giá 10.500 đồng/kg, kéo dài từ ngày 18/2 đến 24/2/2023.
Lazada Việt Nam cũng phối hợp cùng Foodmap đưa cam sành từ các nhà vườn lên sàn thương mại điện tử với giá chỉ 10.000 đồng/ kg cam. Theo Lazada, chỉ trong vòng 02 tiếng từ lúc mở bán, gian hàng chính hãng Foodmap trên Lazada đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dùng với hơn 1 tấn cam sành được tiêu thụ. Lazada và Foodmap đặt kỳ vọng sẽ tiêu thụ hơn 10 tấn cam sành sau 2 ngày mở bán. Toàn bộ doanh thu và lợi nhuận sẽ được chuyển trực tiếp cho nhà vườn để chung tay cùng nông dân vượt qua khó khăn.
hệ thống siêu thị GO!, Big C của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã triển khai thu mua khoảng 25 tấn cam sành cho bà con Vĩnh Long. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail - cho biết: Ngay khi biết thông tin cam sành rớt giá mạnh, với vai trò là nhà bán lẻ, chúng tôi đã triển khai thu mua trực tiếp cam sành từ các hộ nông dân, hợp tác xã tại Vĩnh Long nhằm đưa sản phẩm tươi ngon, chất lượng nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.
Các hoạt động này nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và đưa giá cam sành ổn định trở lại.