Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại TP.HCM tắc nghẽn
Hàng loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM tắc nghẽn nhiều năm nay khiến nhà đầu tư phải trả thêm nhiều chi phí phát sinh do dự án chậm tiến độ.
Doanh nghiệp liên tục gửi kiến nghị
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), 4 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã tiếp nhận 93 câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi đến UBND Thành phố đề nghị giải quyết các vướng mắc. Trong khi đó, trong quý I/2024, chỉ có 43 kiến nghị được gửi đến, nghĩa là chỉ trong tháng 4, có đến 50 câu hỏi của nhà đầu tư yêu cầu được giải quyết.
Phía ITPC cho biết, đã phối hợp với các sở, ban, ngành của TP.HCM xử lý 85 câu hỏi, kiến nghị của nhà đầu tư. 8 kiến nghị còn lại vẫn đang trong quá trình xử lý và đều liên quan đến những dự án vướng mắc nhiều năm chưa giải quyết xong.
Đầu tiên phải kể đến Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) do Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) đầu tư theo hình thức BT. Dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ từ năm 2016, nhưng việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT chưa được giải quyết xong.
Theo Công văn số 2047/STC-ĐT của Sở Tài chính phản hồi ITPC ngày 8/4/2024, Sở đang chờ kết quả rà soát từ các đơn vị gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tư pháp và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông để có cơ sở báo cáo UBND TP.HCM quyết toán chi phí xây dựng tuyến đường và thẩm quyền phê duyệt dự toán Dự án.
Tại công văn ngày 25/4/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu UBND TP.HCM giải quyết các vướng mắc liên quan công tác quyết toán dự án.
Một kiến nghị khác của GS Engineering & Construction là xem xét lại giá đất khu đô thị mới tại Nhà Bè. Theo công văn ngày 11/4/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở đã báo cáo nội dung về nghĩa vụ tài chính còn lại liên quan đến khu đất đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Tổ Công tác giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư.
Cũng gặp vướng mắc nhiều năm là dự án của Công ty Nipro Vietnam tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Nipro dự kiến mở rộng đầu tư tại SHTP với số vốn tăng lên 500 triệu USD, nhưng khi xin phép mở rộng nhà máy, được UBND TP. Thủ Đức trả lời là “do vượt quá chỉ tiêu hạ tầng theo quy hoạch 1/2000 của Khu công nghệ cao, nên không có cơ sở để cấp phép xây dựng và quy hoạch 1/500”. Do vậy, hơn 2 năm nay, Dự án không triển khai được.
Theo tiến độ giải quyết được ITPC cập nhật ngày 2/5/2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND TP. Thủ Đức đã có văn bản cho ý kiến, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã lấy ý kiến đơn vị tư vấn và đang làm hồ sơ tham mưu lãnh đạo Ban.
Một vướng mắc nữa cũng liên quan đến Nipro là đưa nhà máy vào hoạt động từ năm 2019, song đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Khu công nghệ cao.
Thủ tục vẫn còn nặng nề
Hầu như năm nào TP.HCM cũng tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thậm chí, các cuộc gặp gỡ chung không đủ thời gian giải quyết, Thành phố phải tổ chức các cuộc đối thoại riêng đối với doanh nghiệp của một số nước có vốn đầu tư lớn, nhưng việc giải quyết các vướng mắc vẫn rất chậm.
Giữa tháng 3/2024, tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.HCM với các hiệp hội và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Wesley Chua, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV) thẳng thắn cho rằng, thủ tục hành chính về đầu tư tại TP.HCM còn nặng nề so với Singapore và có thể là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc xin các giấy phép đầu tư chưa có sự thống nhất trong áp dụng các luật và hướng dẫn thủ tục giữa các cơ quan chức năng.
Theo ông Lee Chang Gon, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Việt Nam, tại Dự án Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm, từ khi doanh nghiệp nhận được bàn giao đất vào tháng 8/2022 đến nay, việc thẩm định giá đất của các cơ quan chức năng vẫn chưa xong. Doanh nghiệp rất lo lắng về khó khăn của thị trường, cũng như các tiêu chuẩn thẩm định giá còn hạn chế trong việc phản ánh chi phí thực tế của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư lo ngại sự thay đổi trong các hạng mục giả thiết khi thẩm định giá làm tăng thêm gánh nặng về nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư. “Công ty đang gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với việc dự án bị chậm tiến độ do những thay đổi nêu trên. Do đó, Công ty rất hy vọng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Thành phố”, ông Lee Chang Gon đề nghị.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-du-an-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-tphcm-tac-nghen-d216065.html