Nhiều dự án điện khí vẫn nằm ở trạng thái treo
Ông Bùi Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng cho biết, bên cạnh yếu tố về giá, hiện nay, nhiều dự án điện khí vẫn nằm ở trạng thái treo, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Khó khăn trong việc phát triển dự án điện khí
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đó là ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng, đồng thời chú trọng triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Tuy nhiên, trong phát triển điện khí, thách thức trước tiên là nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này.
Do vậy, trong bối thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Trong Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam, diễn ra vào sáng 22/11, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh yếu tố về giá, hiện nay, nhiều dự án điện khí vẫn nằm ở trạng thái treo, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Trong những năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid và xung đột chiến sự giữa Nga và Ucraina, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù.
Thứ hai, LNG có những đặc thù riêng của nó như mức độ các cam kết dài hạn, thị trường biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các sự kiện chính trị, xã hội… Thị trường năng lượng nói chung, LNG nói riêng trên toàn cầu hiện đang trong trạng thái bất ổn do các sự kiện địa chính trị.
Các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.
Một khó khăn nữa theo ông Bùi Quốc Hùng là hiện nay Chính phủ cũng không cấp bảo lãnh nào, và việc phát điện sẽ là cạnh tranh trên thị trường điện, nên quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực. Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án LNG, thách lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép… (trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành). Hiện vẫn chưa có dự án điện khí LNG nào được khởi công xây dựng bởi chưa hoàn tất được các hợp đồng liên quan tới hoạt động của nhà máy, mà đáng chú ý nhất là PPA.
Một số dự án điện khí ở một số tỉnh phía Nam hiện vẫn ách tắc lại nhiều năm
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 thì về phát thải CO2, chúng ta phải đưa về mức 0 vào năm 2050. Khí phát thải chủ yếu được phát ra số từ 3 nguồn chủ yếu: giao thông, năng lượng và xây dựng. Một số lĩnh vực khác như chăn nuôi cũng có nhưng số lượng ít.
"Thế nhưng phát thải bằng 0 cũng không có nghĩa là không có phát thải, theo tôi là phải trung hòa carbon. Nhiều địa phương cực đoan quá, nên nghĩ rằng không phát triển các dự án nhiệt điện than, thay vào đó chuyển sang thực hiện các dự án điện khí, song khi thực hiện thì không đáp ứng được các điều kiện như về chính sách, vốn, nhân lực, hạ tầng… Nên một số dự án điện khí ở một số tỉnh phía Nam hiện vẫn ách tắc lại nhiều năm", ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Từ nhận định này, ông Nguyễn Đức Kiên, cho rằng nếu áp dụng không đúng thì khó đạt được kết quả tốt. Hiện nay, xu hướng công nghệ thế giới đang áp dụng là khí hydrogen. Xu thế là như vậy, song hiện nay công nghệ và quy mô loại hình này vẫn hạn chế. Ít nhất phải đến năm 2027 mới có nhà máy điện khí LNG.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-du-an-dien-khi-van-nam-o-trang-thai-treo-post273497.html