Nhiều dự án giao thông Hà Nội chậm tiến độ

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519, thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20%-26%. Nhưng thực tế hiện nay tỷ lệ này mới đạt khoảng trên 12,1%. Nguyên nhân là do nhiều dự án đường vành đai, đường xuyên tâm trên địa bàn Thủ đô hiện còn chậm tiến độ.

Dự án trọng điểm mở rộng đường quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Thường Tín đã không thể hoàn thành như kỳ vọng. Được triển khai từ đầu năm 2019, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2021, nhưng sau đó dự án này phải xin gia hạn đến năm 2022. Đến cuối năm 2022, UBND huyện Thường Tín lại tiếp tục có tờ trình gửi các cấp, xin gia hạn dự án đến cuối năm 2023 và được Chủ tịch UBND TP phê duyệt vào ngày 02/02/2023.

Khất lần mãi, đến nay, khi chỉ còn chưa đầy một tháng là kết thúc năm 2023, vậy mà dự án toàn tuyến đường vỏn vẹn 5km mở rộng vẫn ngổn ngang.

Mặt đường thi công chưa hoàn thành, gây nguy hiểm cho các phương tiện.

Mặt đường thi công chưa hoàn thành, gây nguy hiểm cho các phương tiện.

Mặt đường thi công chưa hoàn thành, nhiều đoạn ngổn ngang, gây nguy hiểm cho các phương tiện. Ngày nắng thì khói bụi mù mịt. Ngày mưa thì mặt đường trơn trượt bùn đất…

Ông Vũ Văn Tèo ở Thường Tín, Hà Nội, cho biết: "suốt từ khi bắt đầu khởi công xây dựng là đèn chiếu sáng có nhưng không có điện, có cột đèn nhưng mà không có điện, chúng tôi quen sống với tù mù rồi… suốt 2 – 3 năm nay chẳng có gì cả, chậm lắm, dang dở, không biết bao giờ mới xong, có những thời kỳ rất khổ vì bụi…."

Mặc dù đã có phương án, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn thi công nhưng đến nay dự án vẫn chậm tiến độ bởi còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Theo ông Trần Nguyên Đức, PCT UBND xã Văn Bình, dự án qua xã Văn Bình đã được triển khai thực hiện, giải quyết cho hơn 160 hộ, còn một số hộ vướng mắc…. Đến nay, xã đã hoàn thiện các chế độ chính sách để hỗ trợ người dân bàn giao mặt bằng.

Gần 5 năm cho 5km đường mở rộng, một dự án giao thông được xem là trọng điểm để giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam thành phố. E rằng với tiến độ này thì 25% khối lượng công việc còn lại, cũng khó có thể kịp hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm 2023 khi chỉ còn chưa đầy một tháng.

Đường nối Phạm Hùng – Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng cũng đã lỡ hẹn 6 năm nay

Đường nối Phạm Hùng – Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng cũng đã lỡ hẹn 6 năm nay

Còn đây là đường nối Phạm Hùng – Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng cũng đã lỡ hẹn 6 năm nay. Một đoạn đường đã xong nhưng chưa thông, một đoạn đường chưa xong thì biến thành nơi tập kết rác hoặc treo quảng cáo hỗn tạp. Nguyên nhân chính chậm tiến độ dự án cũng là do chậm giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án quận Nam Từ Liêm nhấn mạnh: "Thời gian qua, dù thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông, nhưng thực trạng hệ thống giao thông đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Một phần nguyên nhân đến từ những dự án xuyên tâm, dự án vành đai triển khai quá chậm chạp".

Những dự án giao thông chậm tiến độ khiến cuộc sống đi lại hàng ngày của người dân khó khăn. Cùng với đó, giao thương đình trệ ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế địa phương.

Chính vì vậy, nhóm vấn đề thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn thành phố sẽ được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP lần này. Phiên chất vấn sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài Hà Nội từ 8h sáng mai 7/12.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhieu-du-an-giao-thong-ha-noi-cham-tien-do-207262.htm