Nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền rục rịch tái xuất, dân sắp rộng cửa mua nhà
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch triển khai các dự án bất động sản giá phù hợp, vừa túi tiền. Tuy nhiên, để kéo giảm giá nhà cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như sớm gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, ngân hàng giảm lãi suất cho vay...
LTS: Chính phủ đã có nhiều chính sách gỡ khó cho thị trường bất động sản. Tâm lý của nhà đầu tư đang dần lạc quan, thị trường cũng có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, để thị trường sôi động trở lại, cần những dự án, sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu.
VietNamNet giới thiệu loạt bài nhìn nhận thị trường bất động sản hiện nay với việc xác định đúng điểm nghẽn nhằm thúc đẩy cung-cầu, kích hoạt lại phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Tăng cung nhà ở vừa túi tiền
Ông Đàm Truyền Đức, Giám đốc Marketing, Tập đoàn Đầu tư Kinh Đô cho PV VietNamNet biết, hiện tại, công ty đang gấp rút chuẩn bị các công tác cần thiết để triển khai dự án tại Thanh Trì (Hà Nội).
Chưa nêu cụ thể về giá bán nhưng vị lãnh đạo khẳng định dự án được thực hiện với định hướng phát triển sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp túi tiền của khách hàng.
"Giá chung cư tại Hà Nội đã có nhiều sự điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thị trường và nhu cầu thực của người mua nhà. Mặc dù giá niêm yết có thể không giảm, nhưng các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi để thúc đẩy người mua. Thời gian tới, các nhà phát triển bất động sản sẽ tái cấu trúc lại sản phẩm, chuyển hướng sang phân khúc nhà ở vừa túi tiền mạnh mẽ hơn" - ông Đức nói.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Văn Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) cũng cho biết, doanh nghiệp đang xúc tiến làm một dự án chung cư tại đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội).
"Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thị trường hiện nay, công ty sẽ tập trung đưa ra thị trường sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu thực, hướng tới đại đa số khách hàng" - ông Hậu nói.
Một số thông tin cho biết, dự án có thể định vị quanh mức giá 30 triệu đồng/m2.
Tại các tỉnh, nhiều dự án cũng rục rịch bung hàng. Thông tin từ Tập đoàn Kosy cho biết, sắp tới sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm liền kề, shophouse tại dự án Kosy Lita Ha Nam (thị xã Duy Tiên, Hà Nam) với mức giá dao động từ 25 - 33 triệu đồng/m2.
Chủ đầu tư đánh giá, với khu vực dự án nằm ngay cửa ngõ Thủ đô, các khu vực vùng ven sau thời gian tăng nóng đã thiết lập mặt bằng giá mới, có nơi lên 40 - 50 triệu đồng/m2 thì mức giá trên sẽ đáp ứng nhu cầu ở thực cùng với dư địa tăng trưởng còn khá lớn.
Ông Đàm Truyền Đức cũng chia sẻ, trong bối cảnh thị trường bất động sôi động của mấy năm trước, chủ đầu tư nào cũng muốn sản phẩm ghi dấu ấn trên thị trường, bán được giá cao, dẫn đến việc mất cân đối cung cầu, chủ đầu tư có hàng không bán được, người mua muốn mua mà không đủ tiền.
"Biến động vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc tập trung phát triển các dự án trung cấp để đáp ứng nhu cầu ở thực của nhiều người dân. Các dự án này giúp nhiều người có thu nhập trung bình, trung bình khá, đang chiếm đại đa số trong xã hội, có thể tìm được nơi an cư phù hợp với mình, giải quyết vấn đề nhà ở đang nóng ở các đô thị lớn", ông Đức nói.
Gỡ vướng thủ tục, kéo giảm giá nhà
Dù vậy, ông Đức cũng thừa nhận, giá chung cư thời gian qua bị đẩy lên quá cao do nguồn cung khan hiếm, chi phí xây dựng tăng lên nhiều lần so với cách đây 5 năm. Vì vậy, nếu không cải thiện nguồn cung, giá chung cư “khó giảm”, đặc biệt là khó để có căn hộ chung cư với giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại thời điểm này, khi mà chỉ riêng chi phí xây dựng đã khoảng 11 triệu/m2.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nguồn cung nhà ở giảm theo từng năm, có những quý cả miền Nam chỉ có vài dự án mới hoàn thành, và gần như vắng bóng những dự án mà sản phẩm có giá đáp ứng nhu cầu nhà ở thực.
"Trong khi đó, có nhiều dự án được bán với giá rất cao, đem dự án ra thị trường cũng không đáp ứng nhu cầu thực vì gấp đôi khả năng tài chính của người mua", ông Khởi nói.
Bởi thế, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc xác định đúng vị trí các điểm nghẽn và xử lý theo đúng trình tự vẫn là yếu tố cốt lõi gỡ khó cho thị trường.
"Khơi thông nguồn cung cho các sản phẩm nhà ở giá bình dân, phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân chính là chìa khóa để mở cánh cửa cho thị trường bất động sản thời điểm này", ông Đính nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc các dự án gặp vướng mắc pháp lý, kéo dài thời gian triển khai làm các chi phí tài chính bị đội lên, hạn chế nguồn cung, khó giảm đầu ra. Sớm gỡ vướng, đưa các dự án vào kinh doanh sẽ giúp nguồn cung cho thị trường phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Tăng nguồn cung nhà ở giá bình dân, vừa túi tiền được xem giải pháp giúp "phá băng" bất động sản nhưng cần kèm theo giải pháp tài chính. Như lãi suất phải hợp lý, giãn tiến độ thanh toán cho người mua...
Cũng phải nhìn nhận thực tế, hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để cam kết. Đồng thời rất khó nắn lại rổ hàng đã trót "phóng lao" theo phân khúc cao cấp. Nhưng vẫn chưa quá muộn để cân bằng lại các phân khúc nhà bình dân, nhà ở xã hội đang thiếu hụt.
"Doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách làm sao rút ngắn được thời gian về mặt thủ tục, tháo gỡ dứt điểm khó khăn để dự án sớm được triển khai, từ đó sẽ tăng nguồn cung đưa ra thị trường. Pháp lý nhanh sẽ giúp chủ đầu tư giảm được thời gian xây dựng, từ xây dựng 5 năm xuống còn 3 năm sẽ giúp giảm chi phí phát sinh, từ đó kéo giá bán bất động sản giảm", Giám đốc Marketing Kinh Đô cho biết.
Theo tính toán của doanh nghiệp, giá bán nhà ở phụ thuộc vào mong muốn nhà đầu tư, vào mức lợi nhuận kỳ vọng mà các chủ đầu tư đưa ra.
Ngoài ra, giá bất động sản phụ thuộc vào chính sách, pháp lý về bất động sản. Nếu chính sách nhanh sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy nguồn cung, khi cung vượt nhu cầu thì thị trường sẽ tự điều tiết, giúp kéo giảm giá sản phẩm bất động sản.