Nhiều dự án quan trọng quốc gia còn chậm, phải dự kiến tăng tiền đầu tư
Tiến độ một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm so với yêu cầu, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Sáng 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo đó là tiến độ của các dự án quan trọng quốc gia.
Các dự án gồm: Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đây là các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh triển khai một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 về xây dựng kết cấu hạ tầng.
Theo ông Mạnh, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án tuy chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhưng đã được rút ngắn đáng kể so với thực tế triển khai trước đây.
Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội. Một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do nhiều địa phương khác nhau làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập. Điều này gây khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.
Ngoài ra, nhiều dự án chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; một số dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã phải đề xuất đầu tư mở rộng.
Báo cáo cũng chỉ rõ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm trễ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Một số dự án trong quá trình thi công, xây lắp thiếu bãi chứa vật liệu thải, ảnh hưởng đến điều kiện môi trường sống tự nhiên.
Nhiều dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác nhưng chưa được đầu tư đồng bộ trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS). gây khó khăn cho các đối tượng tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trước thực trạng này, Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ do nhiều nguyên nhân khách quan. Ví dụ dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm đã ảnh hưởng lớn, làm chậm tiến độ thi công; Xung đột địa chính trị trên thế giới làm giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao vượt dự đoán.
Ngoài ra, một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, quá trình triển khai do không lựa chọn được nhà đầu tư đã phải báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.
Tuy vậy, báo cáo cũng nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại trên. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư còn bị động, chưa sát thực tế; còn tình trạng thiếu sót trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và thi công của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu.
Nhiều cơ quan triển khai chưa quyết liệt, còn tình trạng né tránh trách nhiệm.
Tại một số địa phương, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất cho các dự án còn chậm, Hoặc chính quyền địa phương chưa quyết tâm, chủ động; công tác xây dựng các khu tái định cư chậm nên tiến độ triển khai còn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công hoàn thành các dự án.
Sau báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nêu quan điểm: Báo cáo rất toàn diện và đồ sộ. Tuy nhiên, vẫn cần phải phân tích rõ hơn về tiến độ giải ngân chậm, chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên.
"Nếu chỉ rõ được từng lý do gây ra tiến độ giải ngân chậm thì sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể hơn", ông Huân nói.