Nhiều dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách: Chậm phát huy hiệu quả
Giai đoạn 2016-2020, Bắc Giang thu hút nhiều dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư ở ngoài các khu, cụm công nghiệp (CCN), góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chủ đầu tư một số dự án đã vi phạm quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.
Phát hiện nhiều vi phạm
Mới đây, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật trong thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài NSNN ở ngoài các khu, CCN giai đoạn 2016-2020 tại một số địa phương trong tỉnh. Qua đó phát hiện nhiều dự án vi phạm.
Tại huyện Yên Dũng, giai đoạn 2016-2020 có 73 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài NSNN tổng vốn đăng ký gần 6,3 nghìn tỷ đồng. Trong số này có 15 dự án chậm tiến độ so với quy định, có dự án chậm tới 32 tháng.
Ví như dự án khu kinh doanh dịch vụ, thương mại, khách sạn và cho thuê văn phòng tại xã Cảnh Thụy của Công ty TNHH Alibaba Tiên Hưng được chấp thuận đầu tư tháng 3/2018 song đến nay doanh nghiệp này chậm đầu tư so với quy định 13 tháng; hiện đang trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB).
Dự án xây dựng cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm tại xã Đồng Việt đã hết hạn đầu tư nhưng đến nay chưa hoàn thiện xong GPMB để xây dựng bến thủy nội địa. Lo ngại hơn, dự án xây dựng bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở thôn Yên Thịnh, xã Yên Lư của Công ty TNHH Hân Hào kinh doanh ngành nghề đóng gạch không nung không có trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được chấp thuận.
Tình trạng dự án chậm đầu tư còn xảy ra tại huyện Việt Yên. Ví như dự án trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao tại thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn của Công ty cổ phần Trường Thịnh Bắc Ninh. Ngày 6/7/2018, Công ty này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án, thời gian thực hiện 8 tháng kể từ ngày được chấp thuận nhưng đến nay đơn vị này chưa hoàn thành GPMB.
Hay như dự án khu đô thị phía Nam, thị trấn Nếnh, theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đến tháng 10/2021, Công ty hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục song đến nay mới GPMB xong 5/19,5 ha. Dự án khu dân cư Đại Phúc, xã Tăng Tiến đã được gia hạn đến ngày 31/12/2021 phải hoàn thành thi công xây dựng và tổ chức nghiệm thu nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Không chỉ vi phạm về đầu tư, nhiều dự án còn vi phạm về xây dựng, đất đai. Đơn cử như dự án xây dựng cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm tại xã Đồng Việt (Yên Dũng) chủ đầu tư dựng khung mái nhà để xe ô tô ở vị trí đất ngoài chỉ giới đất được giao.
Tại huyện Lục Nam có nhiều dự án vi phạm về xây dựng, đất đai như: Dự án Nhà máy sản xuất Gạch Tuynel của Công ty TNHH Gạch Tuynel Tiên Hưng vi phạm Luật Đất đai năm 2013 do không đưa đất vào sử dụng liên tục trên 12 tháng.
Một số doanh nghiệp còn xây dựng công trình khi chưa được giấy phép xây dựng như: Công ty TNHH Thực phẩm và Đồ uống Vân Nga Dương thực hiện dự án đầu tư xưởng sản xuất gia công cơ khí Vượng Cường; Công ty TNHH Xây dựng và Tư vấn Hoàng Hải xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu loại II xã Huyền Sơn không có giấy phép xây dựng...
Tại huyện Việt Yên có Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nhôm Phương Đông sai phạm tái diễn nhiều lần về xây dựng và môi trường chưa được xử lý dứt điểm.
Kịp thời chấn chỉnh
Để xảy ra tình trạng trên trước hết là do các chủ đầu tư dự án chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đất đai, môi trường. Nguyên nhân nữa là hầu hết các dự án chậm đầu tư đều do gặp khó khăn trong công tác bồi thường GPMB. Bởi những dự án này thuộc đối tượng chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường GPMB với chủ sử dụng đất nên nhiều hộ chưa đồng thuận.
Đơn cử như dự án trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao xã Tiên Sơn (Việt Yên), chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã nhiều lần liên hệ làm việc để đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc sử dụng đất để có phương án thỏa thuận bồi thường nhưng chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Ngoài ra, có chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế nên thực hiện dự án chậm tiến độ.
Đồng chí Nguyễn Thế Toản, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh, thành viên đoàn giám sát cho rằng, qua giám sát thực tế và làm việc với UBND một số huyện cho thấy, công tác quản lý nhà nước địa phương đối với các dự án đầu tư được chấp thuận còn hạn chế, bất cập.
UBND các huyện nơi có dự án vi phạm chưa quyết liệt chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đầu tư sau khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chưa có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và xử lý nghiêm vi phạm khi manh nha khiến một số dự án vi phạm chưa được xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Nhiều dự án phải xin gia hạn, giãn tiến độ.
Để chấn chỉnh vi phạm, từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư, nhiều ý kiến đề nghị các huyện nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn để các doanh nghiệp nắm được chủ trương, thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, từ đó chấp hành đúng quy định. Đồng thời công khai, minh bạch quy hoạch đất đai, tạo cạnh tranh bình đẳng cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt là các huyện tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện dự án; làm tốt hơn nữa công tác thẩm định, hạn chế thấp nhất việc thu hút các dự án nhỏ lẻ, tránh phá vỡ quy hoạch. Cùng đó, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các dự án gắn với trách nhiệm của từng bộ phận được giao để kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý ngay từ khi manh nha.
Đối với những dự án vi phạm về đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, nhất là những dự án chậm tiến độ phải gia hạn nhiều lần, địa phương cần rà soát, có biện pháp xử lý dứt điểm.
Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, tới đây các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đơn vị có dự án vi phạm. Các dự án vi phạm nghiêm trọng sẽ xem xét tham mưu cấp có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Bài, ảnh: Minh Linh