Nhiều dự án vướng nghị định 56, chủ đầu tư khóc ròng

Hàng loạt dự án sử dụng vốn vay đang bị vướng bởi nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Số dự án bị vướng đều là dự án đang triển khai khi nghị định nêu trên có hiệu lực.

Vốn ODA không dùng cho chi thường xuyên

Mới đây, ngày 23/4/2021, Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi (Ban CPO) đã có văn bản gửi đơn vị chủ quản là Bộ NN&PTNT báo cáo về những vướng mắc của một số dự án sử dụng vốn vay ODA thuộc phạm vi quản lý của đơn vị này.

Văn bản này viện dẫn nội dung của công văn số 15962/BTC-QLN của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) gửi các bộ, ngành chủ quản và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nội dung quan trọng của công văn số 15962/BTC-QLN là nhắc nhở các đơn vị, địa phương thực hiện đúng quy định của nghị định 56/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/5/2020.

Theo điểm a, khoản 2, điều 6, nghị định 56/2020/ND-CP thì vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, mua sắm ô tô.... Như vậy, với yêu cầu nêu trên, các dự án sử dụng vốn vay đang triển khai dở sẽ không được dùng tiền vay để thanh toán thuế, phí.

Vướng mắc bắt đầu phát sinh từ đây bởi số dự án triển khai dở nêu trên trước đây được phép sử dụng tiền vay để thanh toán thuế, phí. Chính trong văn bản của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng nêu thực trạng: "Bộ Tài chính nhận thấy, có một số Hiệp định/Thỏa ước vay đã được ký trước khi nghị định 56/2020/ND-CP có hiệu lực có quy định việc cho phép sử dụng vốn vay để thanh toán thuế".

Để xử lý vấn đề nêu trên, đơn vị thuộc Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị, địa phương phải chấp hành quy định theo nghị định 56 bằng cách bố trí vốn đối ứng để thanh toán các loại thuế, phí theo quy định.

Trước quy định này, Bộ NN&PTNT cũng có hàng loạt dự án bị vướng cần tháo gỡ. Ban CPO cho biết, hiện ban này còn 02 dự án sử dụng vốn vay và trước đó được tài trợ 100% chi phí bao gồm cả thuế là dự án WB8 và WB9. Tại hai dự án này, phần thuế phải chi là 131.497 triệu đồng. Để xử lý vướng mắc, Ban CPO đề xuất hai phương án trong đó phương án một là cho phép thực hiện chuyển tiếp và sử dụng vốn vay để trả thuế cho các dự án đang triển khai dở khi nghị định 56 có hiệu lực.

"Với phương án này, việc triển khai dự án sẽ thuận lợi, dự án sẽ được giải ngân vốn được bình thường" - đại diện Ban CPO cho biết.

Nhiều dự án sử dụng vốn ODA đang vướng bởi nghị định 56. Ảnh TL

Nhiều dự án sử dụng vốn ODA đang vướng bởi nghị định 56. Ảnh TL

Trong trường hợp phương án nêu trên không được chấp thuận thì Ban CPO đề xuất phương án Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án nhằm bổ sung vốn đối ứng để trả thuế. Đây là cơ sở để điều chỉnh cơ cấu vốn trong tổng mức đầu tư của dự án để điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn đầu tư hằng năm, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn phần vốn đối ứng để trả thuế.

Rút vốn về tài khoản đặc biệt lâu vì... công nghệ?

Cũng liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA, tìm hiểu của phóng viên Báo Gia đình và Xã hội cho thấy đang có các ý kiến về việc rút vốn lâu, ảnh hưởng tới thanh toán theo hợp đồng cho các nhà thầu. Đơn cử, một số dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lợi dụng mùa khô, các nhà thầu đã đẩy nhanh và vượt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ dù có lợi cho dự án nhưng một số nhà thầu cho biết chủ đầu tư lại không có tiền để giải ngân theo tiến độ vượt.

Trước đó, để tạo điều kiện giải ngân cho các chủ đầu tư thì Bộ Tài chính hỗ trợ thông qua các tài khoản đặc biệt. Tuy nhiên, phản ánh tới Báo Gia đình và Xã hội, dù được hỗ trợ bằng tài khoản đặc biệt thì thời gian phê duyệt hoàn thành rút vốn bổ sung về các tài khoản này mất từ 3-4 tuần cho một lần rút.

"Hiện nay, Cục Quản lý nợ - Bộ Tài chính chỉ cho rút vốn theo kế hoạch giải ngân hàng tháng hoặc thanh toán trực tiếp. Việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của các tiểu dự án do không có sẵn vốn để thanh toán cho nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ" - một chủ đầu tư có dự án sử dụng vốn ODA kiến nghị.

"Việc giải ngân chậm là do phải đảm bảo tính chặt chẽ, tuy nhiên, đơn vị giải ngân đôi lúc hơi nguyên tắc. Phần nữa, việc chậm là do ứng dụng công nghệ thông tin kém nên phải chờ giấy tờ qua đường công văn rất lâu" - một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn ODA phản ánh.

Công Tâm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-du-an-vuong-nghi-dinh-56-chu-dau-tu-khoc-rong-20210427192237845.htm