Nhiều dư địa để khởi nghiệp nông nghiệp
Nông nghiệp đang trở thành ngành thu hút nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, với khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

“Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” giành giải Nhất bảng A cuộc thi Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững 2024. Ảnh: NVCC
Không ít người đã tiên phong áp dụng những quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ, đồng thời không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nhiều “đất” cho khởi nghiệp
Từ nguồn nguyên liệu chính là khoai mì ở huyện Củ Chi (TPHCM), anh Mai Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Yam Kitchen và các cộng sự đã lập dự án khởi nghiệp xanh về các dòng khoai mì dinh dưỡng với thương hiệu “Cusami”, tức “củ sắn mì”. Theo anh, các loại bánh khoai mì thương hiệu Cusami được làm từ 100% khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa.
“Thương hiệu Cusami sẽ hợp tác với nông dân vùng nguyên liệu ở huyện Củ Chi để canh tác khoai mì theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... nhằm có nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu. Đây là hướng đi mới mang tính đột phá cho khoai mì Củ Chi và nông dân Củ Chi”, Giám đốc công ty chia sẻ.
Nhờ vào khả năng chế biến độc đáo, cùng với triển vọng thị trường, dự án “Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” cuối năm 2024 đã xuất sắc giành giải Nhất tại vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2024. Mới đây, Cusami tiếp tục xuất sắc giành ngôi quán quân cuộc thi Franchise Startup 2024. Với mô hình xe bán hàng tinh gọn, chi phí đầu tư thấp và thời gian thu hồi vốn nhanh, Cusami đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp và nhượng quyền.
“Sắp tới, bánh khoai mì Cusami cũng tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TPHCM. Không chỉ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước, bánh khoai mì Củ Chi nghiêm túc tính đến chuyện xuất ngoại. Cụ thể, Cusami sẽ tiếp tục mày mò, nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường quốc tế có yêu cầu cao về chất lượng”, anh Tuấn Anh cho biết.
Dự án khởi nghiệp xanh về các dòng khoai mì dinh dưỡng thương hiệu Cusami chỉ là một trong hàng chục dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tại TPHCM trong năm 2024 vừa qua.
Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), trong 119 dự án khắp cả nước lọt vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2024, chiếm phần lớn là các dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên bản địa, đặc sản vùng miền; trong đó có khoảng 20 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp do các bạn trẻ là sinh viên, thanh niên trẻ tại TPHCM thực hiện.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định, nông nghiệp là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và nông nghiệp luôn là cơ hội lớn cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Theo ông, để thành công khi khởi nghiệp với nông nghiệp, điều quan trọng làm sao áp dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. “Trước đây, các sản phẩm nông nghiệp muốn xuất khẩu được chỉ cần ngon, đẹp, giá thành cạnh tranh, nhưng sau này cần thêm Net Zero, cần có thể truy xuất nguồn gốc. Có thể nói, công nghệ, yếu tố môi trường, tài chính là những công cụ để các bạn trẻ phát triển các startup nông nghiệp của mình”, ông Viên khẳng định.
Thực tế cho thấy, từ những dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tại chương trình Khởi nghiệp Xanh, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường lớn của châu Âu, châu Mỹ và khu vực như: Thiên Nhiên Việt với các loại bột rau; Sokfarm với mật hoa dừa; Khánh Hà Food với mì, nui; Hạt điều Gia Bảo với sản phẩm từ điều;.... Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh, thành…

Công nhân trong nhà máy bánh tráng của Công ty TNHH Tân Nhiên đóng gói sản phẩm. Ảnh: Quốc Hải
Cẩn trọng trong khởi nghiệp
Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030.
Mục tiêu của đề án là thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, hướng đến ngang tầm khu vực. Đồng thời, đề án cũng góp phần hiện thực hóa các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
UBND TPHCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75% - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Đến năm 2025, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45% - 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm, thủy sản.
Trong đó, giá trị sản xuất bình quân trên đất canh tác nông nghiệp đến năm 2025 đạt 650 - 750 triệu đồng/năm/ha. Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; bảo đảm kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị.
Dù đầy tiềm năng, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đi kèm với nhiều thách thức. ThS Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, việc gọi vốn luôn là bài toán khó, nhất là với những startup chưa có nhiều kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và giữ chân nhân tài là điều không dễ dàng. Thực tế cho thấy, những người trẻ thành công đều có điểm chung là sự kiên trì, linh hoạt, có kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, vừa phải có đam mê, nhiệt huyết, kiên trì và luôn sẵn sàng học hỏi.
Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Mạng lưới Đầu tư thiên thần Đông Nam Á, khuyến nghị rằng, các startup mới gia nhập thị trường phải thay đổi chiến lược. Nếu trước đây, startup tập trung gọi vốn qua các vòng, tăng định giá theo từng vòng thì bây giờ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào việc gọi vốn để xây dựng nền móng và phát triển… Cũng theo dự báo của chuyên gia này, năm 2025 không phải là năm thuận lợi mà dự báo còn khó khăn hơn năm 2024 vì kinh tế còn nhiều khó khăn, sự bất định ngày càng lớn.
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá Việt Nam tăng 2 bậc về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam đang có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 2 doanh nghiệp được xem là “kỳ lân”, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD; trên 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 208 quỹ đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo… Riêng trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, Việt Nam đang đứng thứ 51 toàn cầu về tổng số vốn tài trợ với 120,3 triệu USD được rót năm 2024.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-du-dia-de-khoi-nghiep-nong-nghiep-post720347.html