Nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu nông sản sang EU

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có nông sản, sang Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn thấp, mới chỉ trên 2% quy mô dung lượng thị trường này. Mặt khác, sau 4 năm triển khai EVFTA, tỷ lệ tận dụng ưu đãi mới đạt trên 20%. Như vậy, dư địa để gia tăng xuất khẩu nông sản sang EU vẫn còn.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 15%/năm

Sau 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 50%. Trong đó, nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực; trung bình mỗi năm, xuất khẩu nông sản vào EU tăng 15%, Bộ Công Thương cho biết.

Gạo là một trong những mặt hàng đã tận dụng được ưu thế từ EVFTA để gia tăng xuất khẩu sang EU. Năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu sang EU đạt gần 104.000 tấn, với trị giá 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022, theo Tổng cục Hải quan. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định EVFTA. Gạo của Việt Nam đã xuất khẩu tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối EU.

Quý I năm nay, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với 46.000 tấn, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ 2023. Mặc dù EU chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng. Gạo ST25 hiện là một trong những mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia thành viên EU.

Gạo là một trong những mặt hàng nông sản đã tận dụng được EVFTA. Ảnh: Bộ Công Thương

Gạo là một trong những mặt hàng nông sản đã tận dụng được EVFTA. Ảnh: Bộ Công Thương

Tương tự, mặt hàng rau quả cũng đã tận dụng được EVFTA. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng hai con số; năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD thì đến năm 2023 đã tăng gần 300 triệu USD. Theo các chuyên gia, cơ hội cho trái cây và rau của Việt Nam tại EU là rất lớn, vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu...

Bộ Công Thương đánh giá, thực tế cho thấy tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ đều tăng cao ở các ngành hàng chủ lực như thủy sản (gần 90%), rau quả (88,3%)... Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế về 0%, mà còn nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu Việt, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam tại EU. Các doanh nghiệp nông nghiệp cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU, thông qua đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến đóng gói.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA

Sau 4 năm thực thi EVFTA, mặc dù xuất khẩu nông sản sang EU đã đạt nhiều kết quả tích cực, song nhìn chung vẫn chưa như kỳ vọng. Cụ thể, tỷ lệ xuất khẩu của nước ta sang EU, trong đó có nông sản, vẫn còn thấp, mới chỉ trên 2% quy mô dung lượng thị trường EU. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của EVFTA hiện mới đạt trên 20%, dù khá cao so với những FTA mới đưa vào thực thi nhưng vẫn thấp so với mong muốn. Điều này đồng nghĩa cơ hội cũng như dư địa mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản của Việt Nam vào EU vẫn rất lớn.

Tuy vậy, EU vẫn là thị trường rất khó tính với những quy định liên tục thay đổi. Chẳng hạn, hồi tháng 6 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đăng công báo về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào EU. Theo đó, các sản phẩm nông sản gồm ớt, thanh long, đậu bắp của Việt Nam tiếp tục bị EU tăng tần suất kiểm tra, siết chặt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (thanh long tăng tần suất kiểm tra lên 30%; ớt và đậu bắp tăng tần suất kiểm tra lên 50%, kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm).

Bộ Công Thương khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang EU, doanh nghiệp cần khắc phục các tồn tại liên quan đến quy tắc xuất xứ, nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, do các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe và thường xuyên thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để bảo đảm tính tuân thủ.

Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi từ EVFTA cũng như các FTA khác, Bộ Công Thương xác định tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết; bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt công tác xuất khẩu gạo và các nông sản khác. Cùng với đó, Bộ cũng chủ trì, phối hợp để đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tập trung triển khai hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về nhu cầu, quy định mới của thị trường…

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/nhieu-du-dia-gia-tang-xuat-khau-nong-san-sang-eu-i385337/