Nhiều dư địa thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Australia
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Australia đã bùng nổ trong một thập kỷ qua, tăng hơn gấp đôi lên 13,8 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, theo các chuyên gia HSBC, vẫn còn nhiều dư địa để thương mại, cũng như đầu tư 2 nước gia tăng mạnh hơn nữa, không chỉ là hàng hóa mà còn cả dịch vụ.
Australia: Đóng vai trò trong câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam
2023 là một năm diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao của Việt Nam, trong đó Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với cả Mỹ lẫn Nhật Bản lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”. Sau khi ký kết thỏa thuận nâng cấp Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) vào tháng 8/2023 và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 7 - 9/3/2024.
Theo báo cáo “Vietnam at a glance: Việt Nam và Australia: sẵn sàng một giai đoạn mới” của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, thực tế, chính phủ hai nước đã liên tục công bố ý định phát triển quan hệ lên tầm cao mới.
Xét về thương mại, thương mại song phương đã bùng nổ trong một thập kỷ qua, tăng hơn gấp đôi lên 13,8 tỷ USD trong năm 2023. Mặc dù vậy, một phần gia tăng trong giá trị thương mại kể từ đại dịch đến từ giá hàng hóa nguyên liệu thô thế giới tăng cao. Cụ thể, hai mặt hàng tăng nhiều nhất là than đá và bông sợi.
Việt Nam hiện đang là thị trường xuất khẩu bông sợi đơn lẻ lớn nhất của Australia, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu bông sợi của nước này, gấp đôi thị phần năm 2020 (Biểu đồ 2). Tương tự, Australia chiếm gần 40% kim ngạch nhập khẩu bông sợi của Việt Nam.
"Mặc dù xét về tỷ trọng trong tổng xuất khẩu (15%), ngành dệt may của Việt Nam đã chứng kiến thị phần sụt giảm trong những năm gần đây trong khi hàng điện tử lại tăng lên 35%, đây vẫn được coi là một thuận lợi đối với các nhà xuất khẩu bông sợi Australia”, Báo cáo nhận định.
Không chỉ diễn ra trong lĩnh vực sản xuất, sự bùng nổ về thương mại 2 nước còn xuất phát từ sự gia tăng lớn trong chi tiêu tùy ý hộ gia đình, cũng đã kích thích nhu cầu đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Australia. Cụ thể, xuất khẩu thịt bò của Australia đã bùng nổ nhờ xóa bỏ nhiều dòng thuế theo hiệp định AANZFTA trong năm 2018. Điểm đáng khích lệ hơn chính là tiềm năng tiêu thụ thịt bò của Việt Nam. Theo OECD-FAO, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thịt bò trên đầu người của Việt Nam được dự báo sẽ cao nhất trong ASEAN, mở ra cơ hội tăng cường các dòng chảy thương mại.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia cũng đang gia tăng, trong đó nông sản là mặt hàng đang dẫn đầu. Hạt điều nhập khẩu vào Australia phần lớn đến từ Việt Nam, theo dữ liệu của ITC.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia HSBC, để tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại giữa hai quốc gia như AANFTA, CPTPP và RCEP, điều quan trọng là Việt Nam phải nâng cao kiểm soát chất lượng đối với xuất khẩu nông sản, đặc biệt trong bối cảnh tiêu chuẩn chất lượng và quy định của Australia ngặt nghèo hơn cả Mỹ và EU trong một số mảng.
“Hiện tại, chỉ có bốn loại trái cây tươi được tiếp cận thị trường Australia gồm xoài, thanh long, vải và nhãn, nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy còn nhiều cơ hội lớn để mở rộng thị trường”, Báo cáo chỉ rõ.
Không chỉ hàng hóa, dịch vụ cũng là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Năm ngoái, ASEAN đón 4 triệu khách du lịch từ Australia, nhưng chưa tới 10% trong số này đến Việt Nam. Một phần nguyên nhân có thể liên quan đến thị thực, vì Australia không được miễn thị thực và vẫn tồn tại tình trạng hạn chế số lượng chuyến bay. Điểm đáng khích lệ là Việt Nam đang xem xét mở rộng danh sách miễn thị thực, cũng như giới thiệu đường bay mới. Đây đều là những sáng kiến quan trọng vì du khách Australia thường có khuynh hướng nghỉ dài ngày và chi tiêu trong các kỳ nghỉ.
Liên quan đến vấn đề đầu tư, các chuyên gia của HSBC nhận định, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới và phần lớn chưa được khai thác. Các doanh nghiệp Australia có chuyên môn trong ngành khai thác mỏ và chế biến cũng đang tìm cách nắm bắt cơ hội này, với dòng vốn FDI ổn định đổ vào ngành này ở ASEAN nói chung. Riêng đối với Việt Nam, một ví dụ minh họa chính là Blackstone Minerals, doanh nghiệp đang có hai cơ sở ở tỉnh Sơn La, một dự án thăm dò khai thác và một dự án chế biến sâu về nickel.
Bên cạnh các khoáng sản quan trọng, Australia cũng có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng. Theo đó, Chính phủ Australia đã cam kết cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 105 triệu đô la Úc cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài thương mại và FDI, các hình thái hợp tác khác cũng quan trọng không kém. Trong khi Indonesia từ lâu vẫn là quốc gia chính tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Việt Nam cũng chứng kiến dòng vốn hỗ trợ phát triển ổn định. Trong khi đó, lĩnh vực nguồn nhân lực cũng có liên kết chặt chẽ. Australia từ lâu đã tạo dựng một cột mốc về giáo dục khi thành lập trường đại học quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam (Đại học RMIT) từ năm 2000.
“Trong nhiều năm qua, Australia đã đóng một vai trò trong câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam. Trong tương lai, những cơ hội xuất phát từ nhu cầu mới sẽ là nền tảng cho một trang mới trong quan hệ Việt Nam và Australia”, HSBC nhận định.
Đà phục hồi kinh tế có khả năng còn tiếp tục
HSBC cho rằng, dữ liệu tháng 2 có thể làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự phục hồi thương mại của Việt Nam, nhưng đây hoàn toàn là do những biến động liên quan đến Tết Nguyên đán. Trong khi xuất khẩu trong tháng 2 giảm 5,0% so với cùng kỳ năm trước, gần sát với dự báo của HSBC (HSBC: -5,7%; BBG: 1,7%), tổng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024 thực tế lại tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiệu ứng cơ sở cũng là một phần nguyên nhân vì tình trạng suy giảm thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ quý IV/2022.
“Có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang bắt đầu diễn ra trên diện rộng, tình hình cải thiện nhẹ ở các lĩnh vực như dệt may và da giày cũng như máy móc”, HSBC nhận định.
Nhìn về tương lai, Báo cáo cho rằng, các chỉ số chính trong lĩnh vực xuất khẩu cho thấy đà phục hồi có khả năng còn tiếp tục. Chẳng hạn, chỉ số PMI sản xuất mới nhất vẫn duy trì ở ngưỡng mở rộng nhờ sản lượng tích cực và đơn hàng mới, cũng như tình hình việc làm. Chênh lệch giữa đơn hàng mới và hàng tồn kho - một chỉ số chính hữu ích đối với sản xuất - đã cho thấy đà cải thiện vững vàng. Mặc dù vậy, cần phải theo dõi sát sao những gián đoạn tại Biển Đỏ vì tình hình kéo dài có thể tạo áp lực lên lĩnh vực bên ngoài, đặc biệt khi Việt Nam có độ mở tương đối lớn với thị trường EU so với những quốc gia khác trong khu vực.
HSBC nhấn mạnh: “Tin tốt là tác động cho tới nay vẫn ở mức tương đối hạn chế”.
Trong khi đó, nhìn vào thị trường trong nước, tăng trưởng bán lẻ của hai tháng 1 và 2 đã hạ xuống 2,7% so với cùng kỳ năm trước do tăng trưởng tiêu dùng hàng hóa dịu lại. Mặc dù vậy, tình hình chi tiêu mạnh tay cho dịch vụ vẫn tiếp tục, trong đó du lịch nội địa mạnh mẽ với 10,5 triệu lượt khách trong giai đoạn nghỉ Tết. Du khách quốc tế cũng tiếp tục nối gót đà này, trong đó du khách Trung Quốc đại lục trở lại khoảng 60% mức của năm 2019, đưa tổng du khách lên ngang bằng với mức trước đại dịch.
Về lạm phát, HSBC đánh giá tinh thần nghỉ lễ cũng mang lại một bất ngờ. Lạm phát toàn phần trong tháng 2 đã tăng 1% so với tháng trước, đưa lạm phát trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước lên 4% và vượt khá xa so với dự báo (HSBC: 3,3%; BBG: 3,4%; Lạm phát tháng 1: 3,4%). Điều đáng ngạc nhiên nhất chính là lạm phát lương thực tăng 1,7% so với tháng trước do giá gạo và thịt heo tăng. Vận tải và một số vật liệu liên quan đến xây dựng cũng chứng kiến lạm phát gia tăng.
“Trong khi lạm phát vẫn duy trì dưới mức trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước, những xu hướng gần đây chính là lời nhắc nhở sâu sắc về những rủi ro tăng do giá lương thực và hàng hóa nguyên liệu thô”, Báo cáo nhận định.