Nhiều giải pháp cụ thể để giảm ô nhiễm không khí tại TP.HCM
Giao thông đường bộ được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại TP.HCM.
Các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chính tại TP.HCM được xác định bao gồm: hoạt động giao thông vận tải, hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng; hoạt động nông nghiệp, dân sinh (đốt sinh khối, đốt rác không kiểm soát...). Trong đó, giao thông đường bộ được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại TP.HCM.

Giao thông đường bộ được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại TP.HCM. Ảnh: NHƯ NGỌC
Nồng độ bụi tổng và bụi mịn tại một số vị trí giao thông vượt Quy chuẩn Việt Nam
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, qua kết quả quan trắc qua nhiều năm ở TP.HCM của Sở NN&MT và các nghiên cứu liên quan cho thấy ô nhiễm không khí tại TP.HCM chủ yếu liên quan đến bụi.
Trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chính tại TP.HCM, giao thông đường bộ được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí chính. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tại TP cũng phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố khí tượng… và chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm từ bên ngoài.
"Một số thời điểm nồng độ bụi tổng (TSP) và bụi mịn (PM10 và PM2.5) tại một số vị trí giao thông vượt Quy chuẩn Việt Nam, các thông số ô nhiễm khác (CO, SO2, NO2, benzen..) đều đạt Quy chuẩn Việt Nam.
Chất lượng không khí có sự biến đổi theo thời gian trong ngày và có xu hướng biến đổi theo mùa trong năm (liên quan đến mật độ giao thông và các yếu tố khí tượng).
Mức độ ô nhiễm vào mùa khô cao hơn mùa mưa, nồng độ PM2.5 trong không khí có xu hướng đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian cuối và đầu năm"- báo cáo của UBND TP nêu rõ.
Theo lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí, Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là do khí thải từ các phương tiện giao thông và khí thải từ các nhà máy sản xuất công nghiệp và hoạt động dân sinh. Trong đó, hoạt động giao thông của TP.HCM chiếm lượng phát thải cao nhất.
Trong thời gian qua, TP.HCM cũng gặp một số khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng không khí.
Cụ thể, đặc điểm về dân cư gây quá tải hạ tầng giao thông đô thị, mức độ ùn tắc giao thông khó được khắc phục triệt để ảnh hưởng đến mức độ phát thải ô nhiễm không khí. Đồng thời cũng gây khó khăn cho công tác truyên truyền, vận động giảm phát thải, bảo vệ môi trường không khí.
Ngoài ra, tình hình triển khai các dự án, đề án liên quan đến nâng cao năng lực quan trắc môi trường của TP còn chậm do những thay đổi các quy định pháp luật trong công tác đầu tư công và tính chất phức tạp của dự án.
Các khó khăn, vướng mắc về quy định dẫn đến chậm trễ trong phê duyệt và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn ảnh hưởng đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải, kiểm kê phát thải, xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí theo quy định.
Giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải
Theo Sở NN&MT TP, Sở xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM và đã đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để giảm ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Cụ thể chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030, TP đặt ra mục tiêu kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải , trong đó chỉ tiêu đến năm 2030 TP giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải.
"TP đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh như: phát triển hệ thống giao thông công cộng, phi cơ giới đặc biệt là giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh (đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1, hệ thống xe đạp công cộng, xe buýt sử dụng điện, CNG4..).
Đồng thời quản lý, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới...
Trong đó, TP chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn.
Trong đó giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn TP.HCM với mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ phương tiện xe buýt hoạt động trên địa bàn TPHCM sử dụng xe điện, năng lượng.
Giai đoạn 2 triển khai xây dựng cho các phương tiện giao thông đường bộ còn lại, trong đó có nghiên cứu để tổ chức kiểm soát phân vùng khí thải một số khu vực"- Giải pháp Sở NN&MT đưa ra.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến cuối tháng 6-2025, khu vực TP.HCM cũ đang có hơn 9,6 triệu phương tiện lưu thông, trong đó gồm hơn 1 triệu ô tô và gần 8,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng ô tô tăng 9%, còn xe máy tăng 2%.
Sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng số phương tiện giao thông trên toàn vùng TP.HCM mới được ước tính khoảng 11 triệu chiếc, trong đó khoảng 1,5 triệu là ô tô.
TP.HCM đang triển khai đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, giai đoạn đầu của đề án tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng gồm xe buýt, taxi, xe mô tô công nghệ và các loại xe phi cơ giới sang sử dụng năng lượng xanh.
Hiện Sở Xây dựng đang gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đồng thời cập nhật đánh giá tác động sau khi địa giới hành chính được mở rộng. Dự thảo dự kiến sẽ được trình UBND TP và HĐND TP xem xét trong quý 4-2025, nhằm triển khai trên phạm vi toàn TP mới.
Tiếp theo đó, giai đoạn sau của đề án dự kiến hoàn thành trong quý 3-2025, sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát khí thải toàn diện hơn. TP hướng đến chuyển đổi sang phương tiện năng lượng sạch đối với các nhóm như taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, ô tô cá nhân và cả các phương tiện thuộc cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công lẫn tư nhân. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ phân vùng ưu tiên cho xe điện hoạt động và tiến tới hạn chế xe chạy xăng dầu tại các khu vực trung tâm như TP.HCM cũ, Cần Giờ, Côn Đảo…
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng vừa hoàn thành đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện dành riêng cho đội ngũ tài xế công nghệ và người làm nghề giao hàng. Theo đề án, khoảng 400.000 người đang hành nghề shipper, xe ôm công nghệ tại TP.HCM sẽ được hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện theo lộ trình từng giai đoạn. Nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2026 và đặt mục tiêu đến năm 2029 hoàn tất việc chuyển đổi toàn bộ xe hai bánh của đội ngũ trên sang sử dụng điện.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải nghiên cứu, đề xuất quy định bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ với xe máy, đồng thời xây dựng cơ chế loại bỏ các xe cũ nát những phương tiện không chỉ gây ô nhiễm mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-giai-phap-cu-the-de-giam-o-nhiem-khong-khi-tai-tphcm-post862520.html