Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động trong sản xuất
Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hiệu quả, qua đó nhằm hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Toàn cảnh Chi nhánh Công ty TNHH May xuất khẩu Hùng Vỹ (Khu Công nghiệp Long Đức) trong giờ làm việc. Ảnh: KL
Chủ đề của Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023 là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, thực hiện các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Điều này có những thuận lợi cơ bản, là cơ hội tiếp cận và lựa chọn công nghệ sản xuất bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, không gây ô nhiễm môi trường, người lao động có thêm cơ hội lựa chọn việc làm có điều kiện lao động tốt hơn, các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa về chất lượng về ATVSLĐ... tạo động lực thúc đẩy, cải thiện điều kiện, môi trường lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức, đó là điều kiện lao động một số nơi còn xuất hiện nhiều yếu tố, nguy cơ mất ATVSLĐ; nhận thức về ATVSLĐ, tác phong công nghiệp, văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc chưa được chú ý, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định về ATVSLĐ... dẫn đến TNLĐ còn xảy ra trong một số ngành, nghề.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, nhưng cơ bản là do công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động chưa hiệu quả. Còn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu sự quan tâm, chưa chấp hành nghiêm quy định về ATVSLĐ, đặc biệt là việc thực hiện các chế độ về bảo hộ lao động đối với người lao động; bộ máy tổ chức làm công tác ATVSLĐ còn mỏng và yếu.
Để hạn chế TNLĐ, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động kiểm tra công tác ATVSLĐ, tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, may, da giày đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi đu quay, máng trượt… Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp công đoàn, trực tiếp là công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm căng thẳng, mệt mỏi tại nơi làm việc, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động; chủ động phối hợp với công đoàn các cấp, chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở.
Triển khai các hoạt động đối thoại giữa người sử dụng lao động, người lao động và công đoàn cơ sở giải quyết những khó khăn, vướng mắc của công nhân tại doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ khó khăn, động viên họ vượt qua khó khăn, bệnh tật.