Nhiều giải pháp giúp phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế, thoát nghèo

Trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ tại nhiều địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống, mạnh dạn, tự tin khẳng định mình

Từ chuyện ở Bình Phước

Trong 2 ngày 18-19/9/2023, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước tổ chức Ngày hội “Kết nối sản phẩm - Phát huy tài nguyên bản địa”. Ngày hội nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

 Nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo,

Nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo,

Với 38 đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh của phụ nữ trong tỉnh tham gia, các hoạt động trong ngày hội đã kết nối, đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ quản lý, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Theo bà Phùng Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện biên giới Bù Gia Mập, Ngày hội mang đến cho các hội viên phụ nữ cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong kết nối sản phẩm, qua đó có thêm nhiều kinh nghiệm để truyền đạt cho các hội viên, giúp địa phương, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước Lê Thị Thanh Loan cho biết: Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cấp Hội đang tập trung triển khai thực hiện với nhiều chương trình, hoạt động, giải pháp cụ thể, thiết thực. Hội tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ đổi mới tư duy, cách làm và từng bước tham gia quá trình chuyển đổi số; chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, phối hợp, huy động nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế thông qua các hoạt động như: xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, thân thiện với môi trường, phát huy tài nguyên bản địa. Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; mở rộng các loại hình tiết kiệm, quan tâm đầu tư xây dựng, nhân rộng mô hình giúp nhau liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ đến bây giờ mà nhiều năm qua, nhiều địa phương tại Bình Phước với sự vào cuộc tích cực của Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hay để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Đơn cử như năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Gia Mập đã vận động được hàng trăm triệu đồng, giúp cho hàng trăm hội viên phụ nữ nghèo tận dụng nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn duy trì các tổ xoay vòng vay vốn giúp cho hàng nghìn hội viên phát triển sản xuất. Việc hỗ trợ được thực hiện bằng những việc làm cụ thể như: tiếp tục duy trì, thành lập các mô hình tín dụng, tổ tiết kiệm, nuôi heo đất; các mô hình sinh kế hỗ trợ nhau về cây, con giống…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Gia Mập Đặng Thị Hương cho biết: Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn lực bên ngoài, việc phát huy nội lực từ chính phụ nữ ở các cơ sở Hội đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ nhau về vốn, cây, con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật… các chị em sẽ có sự giám sát, theo dõi, động viên, tạo động lực cho chính người được hỗ trợ có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Việc đa dạng phát triển mô hình từ nguồn vốn hỗ trợ đã giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Các mô hình còn góp phần không nhỏ vào thực hiện hiệu quả Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giải quyết việc làm tại chổ, cải thiện đời sống, tăng nguồn thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Tới phong trào rộng khắp, đạt hiệu quả tích cực

Nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Theo đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát hành Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ; Tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng truyền thông, vận động và hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bị mua bán trở về nâng cao quyền năng kinh tế...

Thực hiện các cuộc livestreams (phát trực tiếp) nhằm giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng của tổ nhóm sinh kế do phụ nữ DTTS sản xuất, nuôi trồng đến với người tiêu dùng ngoài địa phương.

Tổ chức làm mẫu các hội chợ “Giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS&MN”; 03 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn về giải pháp trong hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho phụ nữ yếu thế/phụ nữ DTTS theo đặc thù vùng miền; Tổ chức giao lưu, kết nối/giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người, truyền thông nâng cao nhận thức về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về theo mô hình "Bữa sáng ruy băng trắng" tại Bình Phước, Lào Cai và Quảng Bình.

Trung ương Hội cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản cho phụ nữ DTTS trong đó, chú trọng vào các nội dung về xây dựng thương hiệu; đăng ký các tiêu chuẩn theo quy định; xây dựng truy xuất nguồn gốc và tập huấn về quản lý chất lượng; hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu và hỗ trợ kết nối với các giải pháp dịch vụ logistics và thanh toán điện tử; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho tổ nhóm…

Tại địa phương, Hội LHPN các cấp cũng đang ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ các hoạt động thành lập, phát triển các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp phụ nữ tại địa bàn DTTS còn nhiều khó khăn thoát nghèo bền vững tập trung vào các nhóm nội dung như: Hỗ trợ sinh kế trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi/sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận tài chính phát triển sinh kế; Hỗ trợ sinh kế gắn với duy trì, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; Hỗ trợ khởi nghiệp, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, du lịch, sinh kế gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ; Hỗ trợ sinh kế thông qua đào tạo, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…

Như Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện An Lão (Bình Định). Với mục tiêu hỗ trợ có địa chỉ, khuyến khích thúc đẩy hội viên phụ nữ DTTS phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội LHPN đẩy mạnh thực hiện các mô hình “Thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ tiết kiệm tín dụng, các mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tình nghĩa”… Đồng thời tích cực khai thác các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn chị em lao động, sản xuất phù hợp với tình hình thực tế địa phương để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Tại huyện Sơn Động (Bắc Giang), theo chị Đinh Thị Tuyết – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Động cho biết, toàn huyện Sơn Động có gần 16.000 hội viên phụ nữ, trong đó có hơn 9.300 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 58% tổng số hội viên. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Sơn Động đã có nhiều phong trào, hoạt động giúp đỡ các hội viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Phụ nữ đồng bào dân tộc huyện Sơn Động (Bắc Giang) giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Phụ nữ đồng bào dân tộc huyện Sơn Động (Bắc Giang) giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Trong đó nổi bật là phong trào “Phụ nữ làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Theo đó, đều đặn hằng ngày, các hội viên phụ nữ ở nhiều chi hội lại dành chút tiền lẻ khi đi chợ về bỏ vào lợn tiết kiệm gây quỹ giúp đỡ chị em hoàn cảnh khó khăn.

Tùy vào khả năng của từng người, mỗi hội viên phụ nữ có một con lợn riêng để đút tiền tiết kiệm. Từ những đồng tiền lẻ góp lại, hằng năm, các chi hội phụ nữ tổng kết số tiền tiết kiệm để cho các hội viên vay có vốn làm ăn, nhất là chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo.

Tại Quảng Ninh, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội tích cực triển khai, nhằm hỗ trợ chị em từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Các cấp Hội phụ nữ tại Quảng Ninh cũng tiếp tục duy trì hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi; vận động, hướng dẫn hộ gia đình hội viên đăng ký thực hiện mô hình kinh tế gắn với đặc trưng lợi thế của địa phương. Tại các địa phương tập trung hỗ trợ hội viên phụ nữ và gia đình hội viên thực hiện các mô hình kinh tế như: Chăn nuôi gà, trồng nấm, nuôi vịt đẻ trứng, trồng khoai tây hữu cơ… gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng NTM và thực hiện kết nối đầu ra cho các mô hình. Hiện toàn tỉnh đã có 187 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế tại các khu vực tập trung đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ, trong 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 320 hội viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; 3 lớp tập huấn quản lý tài chính cá nhân cho 240 hội viên phụ nữ, chủ hộ kinh doanh thuộc khu vực nông thôn, miền núi.

Có nói, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào DTTS đã, đang được các cấp Hội tại nhiều địa phương tích cực triển khai, nhằm hỗ trợ chị em từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, tạo điều kiện để nhiều hội viên phụ nữ phát huy và khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng.

HN

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-giai-phap-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-lam-kinh-te-thoat-ngheo-post272646.html